Tối giản nhưng sáng tạo: 4 chiến dịch quảng cáo ngoài trời nổi bật nhất của Spotify

Spotify đã tận dụng sự tối giản của mình để tạo nên những chiến dịch OOH kết nối cảm xúc và thu hút sự chú ý của người dùng. Cùng nhìn lại 4 chiến dịch nổi bật của “gã khổng lồ streaming” này.

Các chiến dịch OOH, hay còn gọi là hình thức quảng cáo tiếp cận khách hàng khi họ “ra khỏi nhà”. Spotify đã tận dụng sự tối giản, tươi sáng của mình để tạo các chiến dịch OOH thu hút và nổi bật.

Skip the ads

Vào năm 2022, Spotify đã khởi động chiến dịch Skip the ads (tạm dịch: Bỏ qua quảng cáo) nhằm quảng bá cho gói dịch vụ Premium của mình. Hiểu được cảm giác khó chịu của người dùng khi trải nghiệm nghe nhạc bị gián đoạn bởi quảng cáo, thương hiệu đã khéo léo lồng ghép tên gọi của nhiều nhãn hàng với những ca sĩ nổi tiếng để tạo ra sự liên tưởng thú vị và gần gũi.

Chẳng hạn như, nhóm nhạc rock Radiohead đã biến thành “Radiohead & shoulders” (thương hiệu dầu gội Head & Shoulders), Cardi B bị “chế” thành “Barcadi B” (thương hiệu rượu Bacardi), hay Lana Del Rey cũng không thoát khỏi “số phận” trở thành “Lana Del Rayban” (thương hiệu kính Rayban),...

media (1)

Tên của ca sĩ Lana Del Rey được kết hợp với thương hiệu kính Rayban

media (2)

Nhóm nhạc rock Radiohead cũng biến thành “Radiohead & shoulders”, kết hợp với thương hiệu dầu gội Head & Shoulders

Bên cạnh những cái tên kỳ quặc giữa nghệ sĩ và thương hiệu, Spotify còn không quên ghi chú dòng thông điệp: “Skip the ads. Go Premium” (tạm dịch: Hãy bỏ qua quảng cáo và nâng cấp lên gói Premium). Với thiết kế đơn giản, nội dung cô đọng, tận dụng những tên tuổi và thương hiệu thịnh hành, “Skip the ads” của Spotify được nhiều người xem đánh giá là một chiến dịch “hoàn hảo”. 

media (3)

Những cái tên thú vị giữa nghệ sĩ và thương hiệu khiến người xem không khỏi bật cười

Thông qua những billboard này, thương hiệu đã khéo léo nhắc nhở người dùng sử dụng gói Premium để trải nghiệm dịch vụ một cách trọn vẹn nhất, không bị quảng cáo thương hiệu xen vào thời gian thưởng thức âm nhạc thuần túy.

#ListenToYourFans

Đối với hàng nghìn người hâm mộ, việc đi xem buổi hòa nhạc của nghệ sĩ mình yêu thích là một trải nghiệm khó quên. Tuy nhiên, thời gian cho mỗi đêm diễn có hạn, do đó nghệ sĩ phải lựa chọn những ca khúc nổi bật nhất để trình diễn. Điều này vô tình khiến nhiều người hâm mộ không được lắng nghe các bài hát yêu thích của họ.

Nhằm tạo điều kiện cho nghệ sĩ lắng nghe yêu cầu của người hâm mộ, Spotify đã kết hợp cùng agency MediaMonks thực hiện chiến dịch OOH #ListenToYourFans (tạm dịch: Lắng nghe người hâm mộ của bạn). Để tham gia chiến dịch, người hâm mộ sẽ chia sẻ những bài hát mình yêu thích trên mạng xã hội, sau đó gắn thẻ (tag) nghệ sĩ. Từ những nội dung này, Spotify sẽ phát triển thành những quảng cáo OOH tại các sân bay, địa điểm gần khách sạn nơi nghệ sĩ ở, phương tiện truyền thông gần nơi tổ chức đêm diễn và các trang mạng xã hội. 

media (4)

Trên tài khoản Instagram, Spotify đã đăng tải nội dung của người hâm mộ gửi đến DJ Fatboy Slim: "Chúng tôi biết thật tệ khi yêu cầu DJ một bài hát cụ thể, nhưng chúng tôi rất muốn được nghe anh biểu diễn bài 'Praise You'". Sau đó, Fatboy Slim đã tương tác và phản hồi ngay bên dưới bài đăng: "Không vấn đề gì". Kết quả là tại đêm diễn tiếp theo, chàng DJ này đã thực hiện lời hứa và trình diễn bài "Praise You" cho khán giả.

Chiến dịch đã giúp hơn 100 nghìn người được lắng nghe bài hát yêu thích của mình tại các buổi biểu diễn. Nhờ sự quan tâm đến các xu hướng trên mạng xã hội và hiểu biết về tâm lý yêu thích sự chú ý của người dùng, chiến dịch #ListenToYourFans của Spotify đã thu về 2500% mức độ hiệu quả trên các phương tiện truyền thông.

#2020Wrapped

Với một năm 2020 đầy biến động của đại dịch toàn cầu, chiến dịch #2020Wrapped là lời cảm ơn các nghệ sĩ tài năng đã tạo nên những sản phẩm hay danh sách bài hát góp phần mang lại niềm vui, trạng thái tích cực cho người dùng Spotify trong khoảng thời gian giãn cách xã hội.

Dựa trên dữ liệu người dùng, Spotify đã chọn những chủ đề phù hợp nhất, bao gồm cả các vấn đề xã hội mà người nghe quan tâm trong năm 2020. Chiến dịch đã khoanh vùng từng địa điểm cụ thể, tùy chỉnh nội dung quảng cáo để tạo sự gắn kết mạnh mẽ với khán giả. Chẳng hạn như, Spotify đã đặt nhiều OOH tại quê hương của các nghệ sĩ, đồng thời tận dụng màn hình led của các sân khấu ở Mỹ để ủng hộ ngành công nghiệp âm nhạc đang bị đóng cửa do đại dịch.

media (5)

Với phông chữ đặc trưng, nội dung súc tích và màu sắc nổi bật, OOH của Spotify luôn mang lại ấn tượng không thể nhầm lẫn

Chiến dịch được thực hiện dưới nhiều kênh truyền thông khác nhau như quảng cáo ngoài trời, video, các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội. Spotify đã thực hiện “Circles of Gratitude” (Vòng kết nối thể hiện sự biết ơn) trên các biển quảng cáo ngoài trời để gửi lời cảm ơn đến những nghệ sĩ nổi bật trong năm. Những mẫu quảng cáo được trình bày với thiết kế tối giản nhưng đầy màu sắc. Hình ảnh nghệ sĩ xuất hiện theo hiệu ứng kính vạn hoa nhằm truyền tải thông điệp “tìm kiếm vẻ đẹp trong sự hỗn loạn”. Ngoài ra, trên biển quảng cáo còn chèn thêm các thông tin dữ liệu liên quan của nghệ sĩ. 

media (6)

Những thông điệp ý nghĩa cũng được Spotify khéo léo truyền tải qua billboard

Tổng cộng, chiến dịch đã gửi lời cảm ơn tới 40 nghệ sĩ và 15 kênh podcast. #2020Wrapped đã góp phần tăng số lượt tải ứng dụng Spotify trên điện thoại di động lên 21% trong tuần đầu triển khai chiến dịch. Ngoài ra, nó còn giúp tăng số lượng người dùng hoạt động hàng tháng lên 29% so với cùng kỳ năm trước.

Music for every mood

Để kết nối cảm xúc với người dùng, tăng cường mối quan hệ với thế hệ millennial và Gen Z, ứng dụng âm nhạc Spotify đã triển khai chiến dịch OOH Music for every mood (Âm nhạc dành cho mọi tâm trạng) tận dụng văn hóa meme đang thịnh hành trên mạng xã hội. Là một phần của văn hóa đại chúng, meme rất dễ nhận biết bởi chúng mang tính giải trí cao và có độ lan tỏa nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc tìm ra những meme phù hợp thôi là chưa đủ. Marketing dựa trên văn hóa đại chúng còn đòi hỏi thương hiệu phải hiểu rõ đối tượng khán giả mục tiêu. Spotify đã chọn nhấn mạnh niềm yêu thích của người dùng thuộc thế hệ Millennial đối với sự tự châm biếm để sáng tạo nên các OOH thu hút.

media (7)

Sự tối giản và nội dung ngắn gọn vẫn là những yếu tố được thương hiệu đặt lên hàng đầu trong thiết kế billboard. Bên cạnh đó, ở mỗi vị trí quảng cáo khác nhau, Spotify sẽ truyền tải một thông điệp hoàn toàn khác biệt nhưng không kém phần ý nghĩa. Thương hiệu sử dụng định dạng meme "Me: X; Also Me: Y", với "X" đại diện cho điều gì đó đáng khen ngợi về bản thân, trong khi "Y" lại mâu thuẫn với "X." Qua đó, Spotify thể hiện khả năng cung cấp "nhạc cho mọi tâm trạng", từ việc giúp người dùng vượt qua giai đoạn hậu chia tay đầy đau khổ, cho đến sự đầu tư thời gian chăm sóc bản thân. Đồng nghĩa với đó, Spotify có thể đáp ứng được những nhu cầu nghe nhạc trong các tình huống khác nhau mà người dùng có thể trải qua, chứng minh âm nhạc là một phần quan trọng của cuộc sống.

media (8)

Người dùng cảm thấy thích thú khi tìm thấy bản thân trong các OOH của Spotify