Đạt 23 tỷ USD GMV, kinh tế số của Việt Nam có mức tăng dẫn đầu Đông Nam Á

Nền kinh tế số Việt nam có mức độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực khi đạt 23 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) năm 2022 và trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.


Nền kinh tế số Việt nam có mức độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực khi đạt 23 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) năm 2022 và trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.
 

Việt Nam dẫn đầu về mức độ tăng trưởng
 

Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2022", nền kinh tế số Đông Nam Á đang trên đà chạm mức 200 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm 2023. Số liệu này tăng 20% so với năm 2021 mặc cho tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, đồng thời tăng nhanh hơn 3 năm so với dự đoán trong báo cáo năm 2016.

Bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều dư địa cho sự tăng trưởng của nền kinh tế số Đông Nam Á, đặc biệt tại khu vực nông thôn và những thị trường khác chưa có sự thâm nhập sâu, rộng của các dịch vụ số. Nếu nền kinh tế số Đông Nam Á được khai phá hết tiềm năng, tổng giá trị hàng hóa khu vực có thể chạm mốc 1 tỷ USD trong năm 2030.

Báo cáo cũng cho thấy mức độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi đạt 23 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm 2022 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó nổi bật là lĩnh vực thương mại điện tử khi đóng góp đến 14 tỷ USD cho tổng giá trị hàng hóa của thị trường trong năm qua.

anh-1.jpg

Nền kinh tế số Đông Nam Á gần đạt 200 tỷ USD, tăng 20% so với 2021

Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng đầu danh sách những thị trường tăng trưởng dài hạn tại Đông Nam Á của các quỹ đầu mạo hiểm (VC). Theo báo cáo từ VC, có khoảng 83% quỹ kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.

Hoạt động của các thương vụ tăng khoảng 60%, cụ thể vốn đầu tư vào ngành thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 xấp xỉ 230 triệu USD. Dịch vụ truyền thông trực tuyến cũng có vốn đầu tư gần 190 triệu USD. Có thể thấy, giá trị của các thương vụ giảm một nửa, điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn khi rót vốn ở giai đoạn sau. 

anh-2.jpg

 

anh-3.jpg


Nguồn: phân tích của Bain & Company
 

Thương mại điện tử là mũi nhọn

Báo cáo cũng đi sâu phân tích các xu hướng trong 5 lĩnh vực chính gồm thương mại điện tử (eCommerce), truyền thông trực tuyến (Online Media), du lịch trực tuyến (Online travel), vận tải và thực phẩm (Transport & food), dịch vụ tài chính số (Digital Finance Service). Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực đầu tàu cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam khi đóng góp đến 14 tỷ USD cho tổng giá trị hàng hóa của thị trường trong năm qua. 

Với 4 lĩnh vực còn lại, tài chính kỹ thuật số được kỳ vọng phát triển vượt bậc khi các khoản đầu tư kỹ thuật số được dự đoán sẽ nhảy vọt sau năm 2025. Với mức tăng trưởng đáng kể của thanh toán số tại Việt Nam (dự kiến đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam năm 2025), Google Wallet đã tới Việt Nam nhằm giúp mọi người có thể tiếp cận với hình thức thanh toán này.
 

anh-4.jpg

Nguồn: phân tích của Bain & Company

Theo một số chuyên gia, các lĩnh vực kỹ thuật số tại Việt Nam đang phát triển theo một trong ba quỹ đạo chính là:

Dạng chữ S (S-shaped): Thương mại điện tử dự kiến sẽ đạt mức tăng 16% tổng GMV và có cơ hội tiếp tục phát triển mạnh dù cho một phần hoạt động mua sắm ngoại tuyến đã được nối lại sau đại dịch và tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận của các nền tảng kỹ thuật số. Thay vì thu hút khách hàng mới, các doanh nghiệp đang chuyển đổi sang chiến lược tương tác sâu hơn với khách hàng sẵn có nhằm đẩy mạnh tần suất, giá trị và lòng trung thành. Người bán bắt đầu cải thiện lợi nhuận bằng cách cắt giảm các chương trình khuyến mãi, chiết khấu và chuyển hướng sang kiếm tiền từ các dịch vụ giá trị gia tăng.  

Trở lại đường xu hướng (Return to trendline): Tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực kỹ thuật số như Giao đồ ăn và Truyền thông trực tuyến đang chậm lại sau cao điểm của đại dịch. Sau khi đạt mức tăng gấp 3 lần trong đại dịch, giao đồ ăn đã trở lại đường xu hướng và dự kiến đạt 14% mức độ tăng trưởng GMV. Trong số các lĩnh vực truyền thông trực tuyến có trả phí, mức tăng trưởng GMV giảm còn 9%, lĩnh vực âm nhạc và video tăng trở lại bình thường. 

Dạng chữ U (U-shaped): Vận tải và Du lịch trực tuyến là 2 lĩnh vực được dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi lượng dịch chuyển tăng vượt mức sau đại dịch và du lịch quốc tế được mở lại, đạt mức tăng lần lượt 43% và 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn cung, giá nhiên liệu tăng, các biện pháp hạn chế đi lại tại các thị trường lớn chưa hoàn toàn được gỡ bỏ. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao, vì vậy quá trình phục hồi dự đoán sẽ diễn ra chậm và tốn nhiều thời gian hơn để có thể đạt được mức của năm 2019. 
Ảnh 5: 3 quỹ đạo chính trong quỹ đạo tăng trưởng của các lĩnh vực kỹ thuật số

Xu hướng sử dụng Internet của người Việt

Theo báo cáo của Statista, hiện có khoảng 460 triệu người dùng Internet tại Đông Nam Á với 100 triệu người dùng mới trong 3 năm qua. Tại Việt Nam, số người sử dụng Internet rơi vào khoảng 75 triệu người. Với 100 triệu người dùng mới cùng mức độ tiêu thụ kỹ thuật số tăng nhanh, phần lớn doanh nghiệp số đã chuyển hướng ưu tiên của mình từ thu hút khách hàng mới sang tương tác sâu hơn với khách hàng hiện tại. 

Người sử dụng Internet được phân loại thành 5 nhóm dựa trên các yếu tố sau:

Affluent users: Từ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập cao từ 15.000.001 VNĐ trở lên.

Young Digital Natives: Từ 18 - 29 tuổi, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập tầm trung từ 4.500.000 VNĐ - 15.000.001 VNĐ.

Metro Mainstream: Trên 30 tuổi, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập tầm trung từ 4.500.000 VNĐ - 15.000.001 VNĐ.

On Budget: Từ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập thấp dưới 4.500.000 VNĐ.

Suburban: Thuộc mọi độ tuổi và mọi mức thu nhập, địa điểm sinh sống tại khu vực ngoại ô.

anh-6.jpg

Phân loại 5 nhóm người tiêu dùng Internet

Dựa trên quan sát và đánh giá, hành vi sử dụng Internet của người dùng số Việt Nam có sự khác biệt đáng kể so với người dùng trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, có tới 90% người dùng Việt dự định duy trì hoặc gia tăng sử dụng các nền tảng Thương mại điện tử trong 12 tháng. Bên cạnh đó, 29% người sử dụng tự tính chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ Tạp hóa trực tuyến và 22% người dùng tự tính chi tiêu nhiều hơn ở dịch vụ Giao đồ ăn. Tại thị trường Việt Nam, đây đều là những lĩnh vực được ghi nhận ở mức độ " dự định sử dụng nhiều hơn" cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Người dùng kỹ thuật số ở khu vực thành thị của Việt Nam sử dụng dịch vụ Thương mại điện tử cao thứ 2 khu vực, chiếm tỉ lệ 96%, chỉ đứng sau Singapore (97%). Giữa các nước trong khu vực, mức độ tiêu thụ của người dùng thành thị ở các lĩnh vực tạp hóa trực tuyến, vận tải và chơi game đều đạt mức cao nhất với tỉ lệ lần lượt là 84%; 85% và 60%. 

Những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế số

Sau đại dịch, người dùng Việt cũng có ít nhiều thay đổi trong hành vi sử dụng Internet. Theo nghiên cứu, tần suất và thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến (chơi game, phát nhạc, xem video) của người Việt đang ở mức thấp hơn mức trung bình của khu vực. Chỉ có khoảng 4% trong số người dùng trực tuyến dành hơn 1 giờ mỗi ngày vào các hoạt động nghe nhạc, 9% cho hoạt động chơi game và 9% cho hoạt động xem video. Điều này cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn đối với những lĩnh vực này.

Ngược lại, dịch vụ thanh toán kỹ thuật số tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Ngày nay, giới trẻ thành thạo kỹ thuật số và ngày càng bị thu hút bởi các ngân hàng số. Những khách hàng có thu nhập cao và có tầm ảnh hưởng vẫn trung thành với những nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã có tên tuổi dựa trên số dư tiền gửi hiện có và nhiều khoản đầu tư của họ. 

Có hơn 55% người dùng kỹ thuật số Việt Nam sẵn sàng chi trả thêm 5% cho những sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững. Con số này cho thấy người tiêu dùng Việt có nhận thức ngày càng cao về các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

anh-7.jpg

Số liệu về người dùng kỹ thuật số tại Việt Nam

Sau đại dịch, nhiều nơi đã trở lại trạng thái "bình thường mới" nhưng một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành trong thời kỳ Covid-19 vẫn được duy trì và phát triển. 

Trong đó, thương mại điện tử tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ngay cả khi việc mua sắm trực tiếp được hồi phục một phần sau đại dịch. Lĩnh vực này cũng trở thành đầu tàu cho sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam khi có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hoặc gia tăng lựa chọn mua sắm trên các nền tảng Thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ Giao đồ ăn (60%) và Mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%) mặc dù hoạt động mua sắm và ăn uống tại các cửa hàng đang hồi phục trở lại.

Những yếu tố sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á và Việt Nam trong tương lai có thể kể đến như: thanh toán; đầu tư; logistic; số lượng người dùng truy cập Internet & niềm tin của họ; người lao động trong nền kinh tế số. Trong đó, nhân sự là yếu tố cần nhiều nỗ lực đầu tư từ các doanh nghiệp hơn.

Theo phân tích của Bain & Company, khi doanh nghiệp bắt đầu hoạch định kế hoạch phát triển theo con đường dẫn đến lợi nhuận, nhà lãnh đạo sẽ tiến hành tối ưu hóa đội ngũ nhân sự, Trọng tâm của việc này sẽ chuyển từ tăng trưởng số lượng nhân viên sang củng cố năng lực, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên môn như kỹ thuật, khoa học dữ liệu, công nghệ đám mây và tiếp thị kỹ thuật số. 

anh-8.jpg

Bộ kích hoạt mới có thể giúp nền kinh tế số của Đông Nam Á đạt đến tầm cao mới

Nhưng nếu muốn hướng đến xây dựng một nền kinh tế số bền vững, doanh nghiệp cần tập trung cải thiện 4 yếu tố gồm: con đường dẫn đến lợi nhuận, ESG, khoảng cách kỹ thuật số và hạ tầng dữ liệu. 

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và ESG cần được quan tâm hơn cả bởi những cơ hội và thách thức mà chúng mang lại cho doanh nghiệp.

Tại Đông Nam Á và Việt Nam, mức độ tìm kiếm về tính bền vững đã tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua. Thế nhưng người dùng vẫn chưa biến sự quan tâm đó thành các lựa chọn hàng ngày, khi khoảng cách giữa nói và thực hành đến 30%. Trong khi doanh nghiệp và nhà đầu tư cần xem các hoạt động ESG là đòn bẩy tạo ra giá trị hơn là những hạng mục cần tuân thủ khi kinh doanh.

Thêm vào đó, Google cũng ghi nhận "khoảng cách kỹ thuật số" vẫn tồn tại giữa thành thị với ngoại ô và giữa những nhóm có mức thu nhập khác nhau. Cụ thể, chỉ có 20% - 30% người dùng ở khu vực ngoại ô sử dụng các dịch vụ kinh tế số so với khu vực thành thị (hơn 90%), trừ dịch vụ Thương mại điện tử. Ngoài ra, những người dùng có thu nhập thấp cho rằng các dịch vụ kỹ thuật số quá đắt đỏ nên muốn các công ty cân nhắc điều chỉnh mức giá phải chăng hơn, ví dụ như cung cấp gói sử dụng cơ bản hoặc giảm giá... Nếu muốn cải thiện tình trạng này, nền kinh tế số cần sự can thiệp sâu rộng hơn của các doanh nghiệp, tổ chức trong việc "giáo dục" kiến thức về kỹ thuật số và giúp người tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ dễ dàng hơn.