Nắm vững hệ thống pháp luật quốc tế và địa phương về bảo hộ tài sản trí tuệ
Tài sản sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, các nhãn hàng ngày càng quan tâm hơn tới việc khai thác hình ảnh nhân vật hoạt hình, cũng như bảo vệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Nhiều thương hiệu Việt đã nhận ra giá trị của việc bảo vệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo ra doanh thu lớn từ cấp phép hoặc sử dụng bản quyền. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn đối mặt với những thách thức về cơ sở pháp lý, năng lực khai thác và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có buổi chia sẻ với Luật sư Lê Quang Vinh - Giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Partners.
-Tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) mang lại giá trị rất lớn không chỉ cho chủ sở hữu mà còn thúc đẩy phát triển hàng hóa, thúc đẩy thị trường trong nhiều lĩnh vực. Ông nhận định như thế nào về vai trò của pháp lý khi sử dụng tài sản SHTT trong khai thác thương mại?
Thương mại hóa quyền SHTT hiểu một cách đơn giản là đưa các quyền SHTT vào thương mại để kiếm tiền, thu về lợi ích vật chất. Các báo cáo nghiên cứu, chẳng hạn của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) đã chỉ ra rằng trước năm 1980 tài sản hữu hình chiếm 80% giá trị doanh nghiệp thì chỉ sau 30 năm giá trị tài sản hữu hình chỉ còn 20%, thậm chí thấp hơn - nghĩa là tài sản vô hình chiếm 80%. Điển hình như Apple, Amazon, tài sản vô hình chiếm tới 94-96% giá trị doanh nghiệp. Quyền SHTT chính là một loại tài sản vô hình quan trọng nhất và giá trị nhất trong tệp tài sản vô hình của doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) luôn có một chương riêng về bảo hộ quyền SHTT.
Về mặt thuật ngữ, thương mại hóa quyền SHTT (trong tiếng Anh là commercializing IP rights) có nội hàm rộng nhất, trong khi đó thuật ngữ “merchandising rights” hoặc “merchandising characters” cũng mang bản chất như thương mại hóa quyền SHTT nhưng có nội hàm hẹp hơn. Cụ thể, “merchandising characters” có thể hiểu là hoạt động khai thác thứ cấp đối với các đối tượng của quyền SHTT, ví dụ sử dụng hình tượng nhân vật hư cấu trong các bộ phim, truyện nổi tiếng như chú sói Wolfoo, Harry Potter; hoặc có thể sử dụng hình tượng nhân vật có thật (thường là nhân vật nổi tiếng ví dụ Brad Pitt, Ronaldo,…) cho mục đích kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo, bán hàng.
Hình tượng nhân vật nổi tiếng dù có thật hay hư cấu đều có giá trị truyền thông rất cao do bản thân tính phổ biến và nổi tiếng của nó khi truyện hoặc bộ phim mang hình tượng đó được chiếu rộng rãi/bán chạy.
-Liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu tài sản và đơn vị khai thác sử dụng cần lưu ý điều gì, thưa luật sư?
Vì quyền SHTT là một bó quyền, một tập hợp nhiều quyền năng pháp lý chứ không phải là một quyền pháp lý nên chủ sở hữu các hình tượng nhân vật cần chú ý những điểm sau:
Một là, đăng ký bảo hộ nó dưới hình thức mà luật yêu cầu phải đăng ký mới phát sinh quyền: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau
Hai là, quản lý và khai thác tối ưu quyền merchandising dưới dạng hợp đồng li-xăng nhãn hiệu, franchise, sử dụng quyền tác giả
Ba là, nên đăng ký mở rộng hình tượng nhân vật này cho các sản phẩm dịch vụ ảo để có căn cứ pháp lý xử lý hành vi xâm phạm trên vũ trụ ảo metaverse hoặc NFT
Bốn là, cần có kế hoạch thương mại hóa, nhượng quyền sử dụng các hình tượng nhân vật đã đăng ký dưới dạng nhãn hiệu một cách kịp thời để tránh vi phạm nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu trong 3 hoặc 5 năm liên tục (tùy theo từng lãnh thổ) mà hậu quả của nó là nhãn hiệu có thể bị bên thứ ba chấm dứt hiệu lực vì lý do không sử dụng
Năm là, cần có chiến lược riêng ở Hoa Kỳ về sử dụng hình tượng nhân vật đã đăng ký dưới dạng nhãn hiệu ở một số quốc gia có quy định đặc biệt về nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng nhãn hiệu giữa năm thứ 5 và 6, và giữa năm thứ 9 và 10 ở chu kỳ hiệu lực 10 năm đầu tiên để tránh bị Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu.
Sáu là, đặc biệt chú ý về vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa mang nhãn hiệu li-xăng, sử dụng giả cách (token use) để lẩn tránh pháp luật hoặc vấn đề li-xăng “trần” nhãn hiệu (“naked” trademark license agreement). Bởi một số quốc gia, như Mỹ chẳng hạn, có thể đơn phương hủy hiệu lực nhãn hiệu li-xăng nếu có căn cứ cho thấy licensor đã vi phạm các nghĩa vụ của luật, sản phẩm mang nhãn hiệu li-xăng vi phạm nghĩa vụ đảm bảo chất lượng bảo vệ người tiêu dùng.
Đối với chủ thể nhận sử dụng các hình tượng nhân vật cần xác định rõ mục tiêu sử dụng và phạm vi sử dụng để tiếp cận đàm phán ký kết hợp đồng khai thác quyền dưới dạng li-xăng hay sử dụng quyền tác giả. Đồng thời, cần có điều khoản xác định trách nhiệm pháp lý của licensor trong trường hợp licensee bị kiện xâm phạm quyền SHTT bởi bên thứ ba.
-Ông đánh giá như nào về khả năng thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ bản quyền tại Việt Nam, và chúng ta cần có biện pháp gì để cải thiện tình trạng hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng?
Vì bản chất của tài sản vô hình là vô hình, nghĩa là chúng không tồn tại ở hình thể vật lý nên chúng ta không thể nhìn thấy hoặc sờ thấy. Nói cách khác là không thể chiếm hữu được chúng. Chính đặc tính không chiếm hữu được làm nảy sinh hiện tượng tài sản vô hình này (như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng, bí mật kinh doanh,…) có thể bị mất rất dễ dàng. Chưa kể, nguyên tắc pháp lý trên thế giới đều quy định rằng quyền sở hữu trí tuệ chỉ tồn tại theo lãnh thổ, cũng như quyền SHTT chỉ được xác lập về cơ bản trên cơ sở đơn đăng ký được nộp sớm nhất.
Để bảo vệ được tài sản vô hình này, nhất định phải có luật pháp, nghĩa là luật pháp phải công nhận sự tồn tại của quyền SHTT (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng, bí mật kinh doanh, quyền tác giả) thông qua tiêu chuẩn bảo hộ, thông qua cơ chế xác lập quyền dựa trên đăng ký và cơ chế xác lập quyền tự động. Thứ hai là phải có bộ máy thực thi đủ năng lực để bảo vệ các quyền đó bằng biện pháp dân sự (khởi kiện ở tòa án), hành chính, hình sự (chống hàng giả).
Hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng cần được nhìn nhận đúng bản chất của chúng. Đối với hàng giả thường có 2 loại là giả về nội dung và giả về hình thức. Hàng giả xâm phạm quyền SHTT thường là giả về hình thức tức là sao chép nguyên si nhãn hiệu được bảo hộ của người khác, dạng này đúng thuật ngữ gọi là giả mạo về SHTT được quy định ở Điều 213 Luật SHTT. Nếu dạng này đủ tính chất quy mô thương mại (từ 200 triệu trở lên) và lỗi cố ý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự. Nếu giả về nội dung thì đã có cơ chế quy trách nhiệm hình sự ở Điều 192-195 Bộ Luật Hình sự.
Hàng nhái nghĩa là bắt chước nhưng không sao chép nguyên si, không copy toàn bộ cho nên vẫn phải tuân thủ quy tắc xác định hành vi xâm phạm vì bản thân hành vi copy không phải luôn luôn xấu, và cũng không phải luôn luôn trái luật. Ví dụ, tác phẩm hết hạn bảo hộ quyền tác giả, sáng chế hoặc design hết hạn bảo hộ thì đối thủ cạnh tranh hoặc công chúng được tự do quyền sao chép.
Để xác định hành vi nhái có xâm phạm hay không phải xem quy tắc kép, đó là mức độ tương tự của dấu hiệu nghi ngờ với nhãn hiệu được bảo hộ như thế nào, và đồng thời sản phẩm mang dấu hiệu nghi ngờ với nhãn hiệu được bảo hộ là cùng loại/khác loại/hay tương tự trước khi kết luận dấu hiệu nghi ngờ với nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại.
Đối với quyền tác giả cũng phải xem tác phẩm nghi ngờ có sao chép toàn bộ của tác phẩm trước hay chỉ sao chép một phần, nếu sao chép một phần thì phần sao chép đó có phải là phần trọng yêu của tác phẩm có trước không. Đôi khi cũng phải xác định tác phẩm có trước đảm bảo tính nguyên gốc không hay bản thân nó cũng đi copy từ người khác.
Nhãn hiệu nổi tiếng là ngoại lệ đặc biệt của nhãn hiệu thông thường vì phạm vi bảo hộ mở rộng sang cả sản phẩm không tương tự. Nhưng để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, chủ thể có nghĩa vụ chứng minh mức độ nổi tiếng của nó thông qua thời gian sử dụng, doanh số, chi phí quảng cáo, khu vực địa lý sử dụng cũng như bản thân hàm lượng phân biệt của nhãn hiệu đó.
Nhìn chung, bảo hộ quyền SHTT quá nhiều và bảo hộ quyền SHTT quá ít cũng đều không tốt. Mức độ bảo hộ vừa đảm bảo tuân thủ các FTA quốc tế vừa làm sao khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm dựa trên trí tuệ. Tức là cần hài hòa lợi ích, cân bằng giữa một bên là cấp quyền độc quyền và bên kia là quyền cạnh tranh, để làm sao Luật SHTT là bạn, chứ không phải là kẻ thù.
Pháp luật tồn tại không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ quyền SHTT mà còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh, chống lạm dụng vị trí độc quyền, bảo vệ lợi ích của công chúng như tiếp cận thông tin, quyền học tập. Do vậy, để cải thiện bảo vệ quyền SHTT, bản quyền ở Việt Nam theo tôi chỉ cần cải thiện 2 thứ:
Đầu tiên là luật pháp phải đầy đủ, rõ ràng và nhất quán để việc hiểu, vận dụng và thực thi được rõ ràng và nhất quán
Bên cạnh đó, bộ máy thực thi đặc biệt là tòa án cần có kiến thức và kinh nghiệm xử lý các vấn đề SHTT đang có khuynh hướng ngày càng phức tạp.
-Thưa luật sư, Việt Nam cần có giải pháp gì để thúc đẩy thương mại hóa tài sản SHTT?
Theo tôi không có giải pháp duy nhất mà cần nhiều giải pháp cùng lúc. Đó là tìm cách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng quyền SHTT đã hết hạn, đặc biệt là kho sáng chế hết hạn. Đồng thời, đầu tư và nghiên cứu phát triển tạo sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ, chẳng hạn như tạo ra giải pháp kỹ thuật mới, đặc tính mới, chức năng mới.
Bên cạnh đó, cần sớm lập và vận hành tòa chuyên trách về SHTT có năng lực giải quyết nhanh chóng chính xác những tranh chấp về quyền SHTT. Nhà nước cũng cần tổng kết thực tiễn và tiếp tục sửa đổi nhiều luật khác nhau, đặc biệt là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, cần nâng mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT bởi mức 500 triệu hiện nay là quá thấp.