Kiến nghị xử lý mạng xã hội hoạt động trái pháp luật reviewcongty.me

Câu lạc bộ Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) vừa có văn bản báo cáo Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), đề nghị Hội kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an có biện pháp xử lý mạng xã hội hoạt động trái pháp luật Việt Nam reviewcongty.me.

Theo đó DCCA đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về việc hiện nay trên trang mạng xã hội reviewcongty.me (tên miền: https://reviewcongty.me) cho phép người dùng chia sẻ nhiều thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo, quản lý của các công ty.

Qua hoạt động rà soát, DCCA nhận thấy website nêu trên có một số dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể: reviewcongty.me hoạt động theo hình thức mạng xã hội, đăng ký tên miền và đặt máy chủ qua một nhà đăng ký nước ngoài nhưng hoạt động hướng tới người dùng Việt Nam và sử dụng toàn bộ ngôn ngữ tiếng Việt. Website nói trên cho phép người dùng tạo tài khoản là tên các doanh nghiệp và các thành viên có thể viết bài, nhận định, thể hiện quan điểm cá nhân mà không thông qua kiểm duyệt. Các tài khoản đều đăng ẩn danh, không cần đăng ký, không cần xác thực vẫn có thể viết reviews, bình luận về bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào. Một người có thể dùng không hạn chế tài khoản ẩn danh để viết và bình luận. Nội dung phần lớn là tiêu cực, xúc phạm các cá nhân, doanh nghiệp, vi phạm thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức văn hóa của người Việt Nam.

review-1.jpg

Căn cứ điều 98 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, DCCA nhận thấy website trên vi phạm quy định về việc xin cấp phép thiết lập mạng xã hội.

Nghiêm trọng hơn, website còn xâm phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, thương hiệu của hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hành vi: Đăng tải nhiều bài viết xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các công ty; Tạo các tin giả, bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm danh dự đến nhiều cán bộ, nhân viên dẫn tới việc mâu thuẫn trong nội bộ công ty; Thông tin về các doanh nghiệp, cá nhân chưa được kiểm chứng; Thông tin người dùng không được xác thực…

Theo DCCA, hành vi của chủ thể (cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức) tạo ra website này đã vi phạm quy định tại Điều 102, Khoản 3, điểm e của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nêu rõ chế tài đối với hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời, những hành vi trên còn có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 3, 4 Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định: “Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín”.

review2.jpg

DCCA cho rằng, reviewcongty.me đang hoạt động mạng xã hội mà không có giấy phép, không có hoạt động kiểm duyệt người dùng, kiểm duyệt nội dung đồng thời tạo ra môi trường mạng xã hội không lành mạnh đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Điều này đã, đang và sẽ gây ra thiệt hại về uy tín, danh dự và vật chất cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và hội viên của DCCA nói riêng. Các thiệt hại bao gồm tổn thất về uy tín thương hiệu, tổn thất về cơ hội kinh doanh cũng như các chi phí khác mà các doanh nghiệp phải gánh chịu để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Với quan điểm trên, DCCA báo cáo và đề xuất Hội Truyền thông số Việt Nam: Khẩn cấp lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an vào cuộc kiểm tra và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của chủ sở hữu website https://reviewcongty.me. Xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm theo pháp luật để tăng tính răn đe.

Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành biện pháp ngăn chặn và thu hồi tên miền https://reviewcongty.me. Khuyến cáo và kêu gọi các cá nhân, tổ chức không tham gia sử dụng mạng xã hội hoạt động trái pháp luật Việt Nam.

Khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.

Khoản 3, 4 Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.