87% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet hàng ngày

Theo báo cáo từ Dữ liệu nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại, tỷ lệ sử dụng Internet ở nhóm tuổi 12 - 13 là 89%, trong đó tỷ lệ trẻ sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ ngày chiếm tới 87%.

Mặc dù sự kết nối ngày càng gia tăng trên khắp thế giới nhưng rất ít quốc gia thường xuyên cập nhật số liệu thống kê chính thức về sử dụng Internet hoặc phân tổ chúng cho nhóm dân số trẻ em. Điều này đặt ra thách thức trong việc tìm hiểu cuộc sống của giới trẻ bị ảnh hưởng như thế nào bởi công nghệ số, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại do Ecpat, Interpol và văn phòng nghiên cứu của Unicef - Innocenti thực hiện đã thu thập trực tiếp thông tin từ các hộ gia đình trên toàn quốc về tình trạng sử dụng Internet của trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Dữ liệu giúp cung cấp nền tảng quan trọng để hiểu rõ các khía cạnh khác nhau về tình trạng sử dụng Internet ở trẻ em.

internet-3.jpg

Theo dữ liệu của Phòng Dân số Liên hợp quốc, tổng dân số của Việt Nam năm 2020 là 97.339.000 người. Trong đó, nữ giới chiếm 48.740.000 người; nam giới chiếm 48.598.000 người; trẻ dưới 18 tuổi chiếm 26.506.000 người.

Báo cáo từ Dữ liệu nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại cho thấy, tỷ lệ đăng ký/sử dụng Internet tại Việt Nam năm 2020 là 70%; tỷ lệ sử dụng Internet ở người chăm sóc của trẻ em là 89%; tỷ lệ sử dụng Internet ở nhóm tuổi 12 - 13 tuổi là 89%.

Về tần suất sử dụng Internet, tỷ lệ sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ ngày ở nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi là 87%; tỷ lệ này ở nhóm người chăm sóc của trẻ có sử dụng Internet là 77%.

Trong số các thiết bị để trẻ truy cập Internet, thiết bị phổ biến nhất là điện thoại di động với 98%, trong khi máy tính chỉ chiếm 21% và máy tính bảng chỉ chiếm 5%. Những địa điểm truy cập mạng phổ biến nhất hiện nay là: nhà ở (100%); trường học (74%); quán cafe có Internet (70%); trung tâm thương mại (53%); các địa điểm khác (78%).

internet-2.jpg

Xã hội phát triển, phần lớn trẻ em Việt Nam được tiếp cận với Internet từ sớm và hầu hết đều lướt mạng hàng ngày. Thế nhưng, chỉ có khoảng ⅓ trẻ em được dạy về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.

Vấn đề đáng báo động hơn là trẻ em sử dụng Internet tại Việt Nam đã và đang là đối tượng của bạo lực và xâm hại tình dục (BL&XHTD) qua mạng. Dữ liệu từ điều tra hộ gia đình cho thấy cả trẻ em và người chăm sóc trẻ đều có nhận thức đáng kể về nguy cơ BL&XHTD trẻ em qua mạng nhưng tỷ lệ tiết lộ vụ việc, tỷ lệ tìm kiếm trợ giúp và trình báo với các cơ chế chính thức rất thấp.

Hiện, hệ thống thực thi pháp luật của Việt Nam đã được triển khai với 4 luật có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng, bao gồm Luật An toàn thông tin trên mạng; Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng.

Internet

Vào tháng 6/2021, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Quốc gia đầu tiên về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho giai đoạn 2021 - 2025. Mục đích của chương trình là bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, bóc lột và xâm hại trên Internet và hỗ trợ các tương tác trực tuyến an toàn, lành mạnh.

Thông qua chương trình, Chính phủ cam kết xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, thông lệ và sản phẩm để giúp trẻ em khai thác các cơ hội trên không gian số và bảo vệ các em khỏi bị tổn hại. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ cùng hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ Internet và công nghệ truyền thông để bắt kịp nhịp độ thay đổi, bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro, tổn hại mới mà các em có thể gặp phải, đồng thời đảm bảo một môi trường Internet an toàn cho trẻ em.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng cần sự chung tay, giúp sức của cộng đồng, đặc biệt là sự đồng hành của phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dành cho trẻ em cũng có thể phát triển các chính sách, sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.