“Vaccine số” - Giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng

“Vaccine số” cần được tạo bởi những giải pháp về mặt kỹ thuật cũng như các kiến thức kỹ năng đồng hành cùng trẻ của giáo viên và phụ huynh. Khi người lớn có kỹ năng tôn trọng quyền riêng tư và ý kiến của trẻ thì vaccine số sẽ được tiếp nhận một cách bền vững.

Tạo “vaccine số” để trẻ tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng là một trong những giải pháp được nêu tại Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” diễn ra sáng 23/5 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; Bà Nguyễn Thị Nga, PCT Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH, Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em UNICEF; Bà Andrea Varrella; Giám đốc nghiên cứu và giám sát quyền trẻ em Tổ chức ECPAT Quốc tế; ông Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và nhiều vị khách quý.

hoi-thao-1.jpg

Bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Cuộc sống trên không gian mạng đang ngày càng phát triển, Internet và sự phổ biến nhanh chóng của các công cụ truyền thông số đang kết nối mọi người gần nhau hơn. Internet có thể là công cụ hữu hiệu để trẻ em học tập, kết nối và khám phá những điều lý thú. Thế nhưng việc trẻ nhỏ dành nhiều thời gian lên mạng cũng có thể đối mặt với nhiều rủi ro và mối đe dọa bị tổn hại. Một số đối tượng đã lợi dụng Internet và công nghệ số nhằm phục vụ mục đích bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em, dụ dỗ qua mạng, chia sẻ văn hóa phẩm có nội dung xâm hại tình dục trẻ em và phát trực tiếp hành vi xâm hại trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, hệ thống bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề rất được quan tâm. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng. Việt Nam và các nước ASEAN cũng đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Bộ đã phối hợp chỉ đạo và thực hiện Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an kiểm tra, xử lý kịp thời các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của trẻ em và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài 111. Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ nội dung không phù hợp với trẻ, tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ nhỏ.

hoi-thao.jpg

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Unicef Việt Nam 

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Unicef Việt Nam cho biết, công tác đảm bảo an toàn và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự chung tay của mọi người, đặc biệt khu vực tư nhân, doanh nghiệp làm nội dung cho trẻ em cần có hành động một cách cụ thể, tạo ra chính sách phân loại, lọc chặn các nội dung liên quan đến bóc lột, xâm hại trẻ em, đồng thời có các sản phẩm an toàn, giáo dục hữu ích đối với trẻ nhỏ.

Trong khuôn khổ sự kiện, đại biểu đến từ các Bộ, Ban, Ngành cũng trình bày nhiều giải pháp, chính sách liên quan đến công tác đảm bảo an toàn và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong đó nổi bật là Quy chế phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…