Báo động vấn nạn bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến
Có khoảng 0,2% - 2% trẻ em nhận được các yêu cầu trò chuyện về tình dục, bị bắt xem hình ảnh bộ phận cơ thể nhạy cảm, được tặng quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm thông qua mạng xã hội.
87% trẻ em sử dụng Internet hàng ngày
Bóc lột và xâm hại tình dục (BL&XHTD) trẻ em trực tuyến là một hiểm họa không biên giới. Vấn nạn này liên tục phát triển và thường không được báo cáo đầy đủ về quy mô và mức độ.
Theo một cuộc điều tra hộ gia đình của dự án “Ngăn chặn hành vi” gây tổn hại tại Việt Nam, có tới 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi, cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái sử dụng Internet trong 3 tháng qua. Trong số đó, 87% trẻ sử dụng Internet hàng ngày. Phần lớn các em thể hiện mình có một số kiến thức về kỹ năng đảm bảo an toàn trên mạng nhưng chỉ 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.
Mặc dù 77 % người chăm sóc sử dụng Internet hàng ngày, chỉ có 25% khuyến khích trẻ em khám phá và học tập qua Internet, thậm chí số người gợi ý những cách sử dụng Internet an toàn hay cùng tham gia hoạt động với trẻ em trên mạng còn ít hơn. Trong khi đó, 19% người chăm sóc cho biết họ sẽ hạn chế trẻ em sử dụng Internet nếu các em quá quan tâm tới điều gì đó trên mạng xã hội. Hầu hết trẻ nói rằng không phải lúc nào người chăm sóc cũng cho phép trẻ lên mạng khi các em muốn hoặc khi cần (các hạn chế tương tự cũng được áp dụng bởi giáo viên).
Đa số trẻ đã thể hiện bản thân có một số nhận thức về rủi ro từ các hành vi trực tuyến như gặp gỡ những người quen trên mạng hoặc chia sẻ hình ảnh nhạy cảm. Trên thực tế, một số ít cho biết các em đã tham gia thực hiện các hành vi nguy cơ trực tuyến. Theo khảo sát, 5% trẻ đã gặp trực tiếp một người trên mạng (nhiều cuộc gặp không dẫn tới hậu quả gây tổn hại ngay lập tức, nhiều em nói rằng rất hài lòng với kết quả cuộc gặp), trong đó 1% cho biết đã chia sẻ với người khác hình ảnh hoặc video khỏa thân của chính mình qua mạng xã hội.
“Những cọn số biết nói”
Trong phạm vi điều tra hộ gia đình, trẻ em được hỏi đã từng bị BL&XHTD qua mạng trong năm qua chưa. BL&XHTD trẻ em qua mạng là tình huống liên quan đến công nghệ số hoặc công nghệ truyền thông tại một thời điểm nào đó trong quá trình xâm hại bóc lột. Hành vi này có thể xảy ra hoàn toàn trên mạng hoặc có cả sự tương tác trực tiếp lẫn trực tuyến giữa kẻ phạm tội và trẻ em.
Một số trường hợp BL&XHTD trẻ em qua mạng được đánh giá trong khảo sát gồm: yêu cầu nạn nhân trò chuyện về tình dục hoặc cho xem hình ảnh bộ phận cơ thể nhạy cảm khi nạn nhân không muốn. Các ví dụ khác có liên quan đề cập trong khảo sát gồm: tỷ lệ trẻ em được tặng quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm hoặc bị đe dọa, hăm dọa để ép phải làm vậy. Hầu hết tất cả trẻ em nhận được yêu cầu trái ý muốn, đề nghị hoặc đe dọa đều từ chối thực hiện điều đó.
Ảnh minh họa
Tỷ lệ trẻ em gặp phải những sự kiện trên dao động từ 0,2% - 2%, tùy thuộc vào câu hỏi hoặc hình thức BL&XHTD trẻ em qua mạng được nhắc tới. Ví dụ; 0,5% trẻ em tham gia khảo sát cho biết hình ảnh nhạy cảm của trẻ đã bị chia sẻ khi không có sự cho phép của các em. 2% trẻ 15 - 17 tuổi đã chia sẻ hình ảnh hoặc video nhạy cảm để đổi lấy tiền hoặc quà.
Nhìn chung, chỉ trong một năm qua, 1% người dùng Internet độ tuổi 12 - 17 tuổi ở Việt Nam là nạn nhân của BL&XHTD qua mạng. Mặc dù tỷ lệ này có vẻ thấp nhưng khi nhân với dân số quốc gia thì con số ước tính lên đến khoảng 94.000 trẻ bị BL&XHTD qua mạng chỉ trong một năm. Vấn đề đáng lo ngại là nhiều khả năng, số liệu thực tế thậm chí còn cao hơn do xu hướng trẻ ngại chia sẻ về một chủ đề khá nhạy cảm.
Trong số trẻ tham gia điều tra, đa phần những trẻ tiết lộ mình từng bị BL&XHTD cho biết mình không nói việc này với ai hoặc chỉ kể với bạn bè mà không nói với người lớn, công an hay trình báo qua tổng đài trợ giúp. Lý do chính khiến các em không chia sẻ là vì cảm thấy sự việc không đủ nghiêm trọng, nghĩ rằng sẽ chẳng làm được gì, lo lắng gặp phải rắc rối hoặc các em không biết phải nói với ai, phải đến đâu để trình báo.
Theo các nghiên cứu và ý kiến của những cơ quan thực thi pháp luật, sự kỳ thị, thiếu hiểu biết và thờ ơ là những yếu tố góp phần khiến tình trạng XHTD trẻ em ở Việt Nam không được trình báo đầy đủ. Nỗi sợ và sự xấu hổ liên quan đến việc coi trọng trinh tiết, danh dự gia đình và uy tín cộng đồng trong văn hóa Việt Nam có thể là những cản trở lớn đối với tỷ lệ tố giác và trình báo vụ việc.