Ngăn chặn kịp thời hành vi bắt nạt ẩn giấu trên mạng xã hội

Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với các mục đích khác nhau. Bên cạnh những lợi ích mà “thế giới ảo” đem lại, các em cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là hành vi bắt nạt trên mạng.

Ngày 19/1/2024, ChildFund đã tổ chức Hội thảo “Phát hiện hành vi bắt nạt ẩn giấu trên mạng xã hội và giải quyết các thách thức báo cáo” trong Kỳ họp Quý 2 Cộng đồng thực hành Swipe Safe. Tại Hội thảo, nhiều tổ chức, doanh nghiệp là đối tác trong mạng lưới của ChildFund đã báo cáo về những hoạt động mà các quốc gia làm được trong năm 2023, đồng thời thảo luận thêm về một số biện pháp tăng cường sự an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.


z5085792065230-4e9bc4c10374f2497c2e0728454beb55.jpg

Đại diện của ChildFund Việt Nam cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan trọng trong việc chia sẻ nội dung an toàn cho thanh thiếu niên trên không gian mạng. Ví dụ như việc lồng ghép nội dung an toàn trên mạng trong chương trình các môn Tin học và Giáo dục công dân của Sở Giáo dục tỉnh Bắc Kạn; ra mắt CLB Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (VCSC) vào ngày 27/9/2023 có sự tham gia của các công ty công nghệ tại Việt Nam; tổ chức thành công Hội thảo bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trong Ngày An toàn thông tin Việt Nam tháng 11...

Hội thảo cũng có sự tham gia của ông Michael Valdovinos - Giám đốc chính sách của Meta. Ông nói: “Bắt nạt trên mạng luôn là một trong những vấn đề nhức nhối, nghiêm trọng cần được quan tâm nhiều hơn khi tỷ lệ tự tử ở người trẻ bị bắt nạt đang gia tăng. Đối với nền tảng của Meta, chúng tôi đã có nhiều cơ chế đảm bảo an toàn trên không gian mạng và một trong những yếu tố ưu tiên tại Meta chính là 5 trụ cột bao gồm: đối tác, chính sách cộng đồng, công cụ an toàn, dữ liệu và phản hồi. Chúng tôi đã hợp tác với nhiều quốc gia như Úc, New Zealand và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra nhiều chương trình lành mạnh cho thanh thiếu niên như Dự án Rockit hướng dẫn an toàn trên môi trường ảo, Chương trình Reach Out giúp người lớn hiểu biết hơn về cách con em sử dụng mạng xã hội hay Chương trình giáo dục nâng cao hiểu biết cho gia đình và nhà trường Save The Children...”.


z5085683308664-bdebabd29683a679815d2d2f931d6393.jpg

z5085694144034-57455127970114c4a8b5146a0659236d.jpg

Bên cạnh đó, Meta cũng xây dựng một đội ngũ chuyên gia đánh giá các hành vi chống lại tiêu chuẩn cộng đồng trên mạng xã hội như Facebook, Instagram kết hợp với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI. Với 40.000 nhân viên về an toàn an ninh và 15.000 nhân viên đánh giá nội dung trên toàn cầu, Meta sẽ sàng lọc những nội dung có nguy cơ gây hại cho người dùng nói chung và trẻ em nói riêng.

Meta đã tận dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp bị bắt nạt trên mạng xã hội. Song công việc đào tạo AI cần có thêm thời gian nghiên cứu để phát hiện chính xác các hành vi này.

Trao đổi về những vấn đề bắt nạt mang tính địa phương, ông Michael Valdovinos khẳng định, Meta sẽ nỗ lực phối hợp với các nguồn lực và đối tác tại nhiều quốc gia nhằm tăng cường hoạt động bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội thông qua dịch vụ hỗ trợ 24/7.
 

ChildFund Swipe Safe - ChildFund Alliance

Cuộc thảo luận giữa Meta cùng với mạng lưới tổ chức ChildFund và đối tác đã có những tín hiệu tích cực trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Thông qua hội thảo, các cơ quan tổ chức tại nhiều quốc gia cũng như Việt Nam đã định hướng những hành động tiếp theo trong năm 2024. Mục đích là việc truyền thông hoạt động bảo vệ trẻ em và phát hiện kịp thời hành vi bắt nạt trên mạng xã hội được triển khai thuận lợi hơn, nâng cao hiểu biết cho phụ huynh và các em nhỏ về sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.