Huawei chú trọng vào nhu cầu AI đang bùng nổ toàn cầu

Huawei sẽ mở rộng dịch vụ lưu trữ đám mây tại Ai Cập vào tháng 3 và sớm mở trung tâm lưu trữ đám mây AI ở Hồng Kông - trung tâm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.

Lưu trữ đám mây của Huawei đang thu hút tệp khách hàng nước ngoài và mở rộng dấu ấn ra toàn cầu với các trung tâm dữ liệu mới, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về trí tuệ nhân tạo (AI), bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Huawei có kế hoạch mở dịch vụ lưu trữ đám mây mới ở Ai Cập vào tháng 3. “AI là chiến lược chủ chốt trong lưu trữ đám mây của Huawei. Chúng tôi đang xây dựng nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này để mọi người, mọi ngành đều có thể lưu trữ thông minh”, đại diện Huawei cho biết. 

7f21a6fb-77e3-46f0-a71a-bd582cab1b7b_b869aa9d

Văn phòng của Huawei tại Pháp. Nguồn: Reuters

Mặc dù các dịch vụ giống như Chat GPT phổ biến hiện nay khuyến khích nhiều công ty Trung Quốc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng họ, thì Huawei lại tập trung vào mô hình AI Pangu sử dụng trong công nghiệp. Tháng 7 năm 2023, Huawei đã trình làng phiên bản 3.0 của Pangu, được ứng dụng trong khai thác than và đường sắt.

Kế hoạch mở rộng của Huawei là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm tạo dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với các ngành và tập đoàn, doanh nghiệp truyền thống. Bởi trước đó Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt kể từ tháng 5/2019 khi công ty không có quyền truy cập vào các công nghệ quan trọng của Mỹ cũng như hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh toàn cầu.

Năm 2022, doanh số bán hàng trên nền tảng lưu trữ đám mây của Huawei đạt 45,3 tỷ nhân dân tệ (6,3 tỷ USD) và phát triển ổn định trong năm 2023. 

Theo nghiên cứu của Canalys, Huawei là nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây lớn thứ hai ở Trung Quốc và không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động trên thế giới. Năm 2023, hãng đã mở các trung tâm dữ liệu mới ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út.

Tại lễ khai trương trung tâm dữ liệu ở Riyadh, thủ đô Ả Rập Xê Út vào tháng 9/2023, Huawei hứa sẽ hỗ trợ 200.000 nhà phát triển mới trong nước và làm việc với 1.000 đối tác địa phương, 2.000 công ty khởi nghiệp thông qua các dịch vụ điện toán đám mây trong 5 năm tới.