Kiến nghị tháo gỡ cảnh "thuế chồng thuế" cho ngành công nghiệp nội dung số

Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính đề cập đến những khó khăn làm hạn chế sự phát triển của ngành sáng tạo nội dung số và đưa ra hướng giải quyết nhằm tạo động lực thúc đẩy tiềm năng của ngành.

Theo thông tin được VDCA chia sẻ, ngành sáng tạo nội dung số đang có những tiềm năng rất lớn khi sự lớn mạnh của các nền tảng xuyên biên giới như FaceBook, TikTok, YouTube…đang mở ra một thế giới phẳng kết nối hàng tỷ người dùng. Các doanh nghiệp, đơn vị tại Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt được cơ hội này và sản xuất hàng loạt sản phẩm nội dung có giá trị và gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế năm 2022, chỉ tính riêng trên YouTube, số người Việt Nam kiếm tiền từ nền tảng này đã lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sáng tạo nội dung số hoàn toàn có khả năng trở thành một ngành kinh tế trọng yếu, có khả năng đóng góp rất lớn và kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, do là một ngành còn khá mới mẻ và có nhiều điểm khác biệt so với các ngành kinh doanh truyền thống nên ngành sáng tạo nội dung số hay các hoạt động liên quan đến kiếm tiền trên nền tảng xuyên biên giới (Make Money Online - MMO) vẫn bị hạn chế bởi nhiều khó khăn, trong đó có chính sách thuế.

“Thuế chồng thuế” đối với ngành MMO

Theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế.

Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. (Chính sách này nhằm khuyến khích YouTuber đăng ký thuế tại Mỹ).

Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (bao gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).

Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế.

noi-dung-so


Từ năm 1992 tới nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ (sau đây gọi tắt là Hiệp định), trong đó, 60 Hiệp định đã có hiệu lực áp dụng. Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ đã được hai nước ký kết vào ngày 07/07/2015. Tuy nhiên, do phía Mỹ chưa phê chuẩn nên Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ chưa có hiệu lực thi hành.

Trong Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ quy định người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam. Đối với Mỹ, nhà đầu tư/quỹ đầu tư Mỹ tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho nước Mỹ. Việc sớm thực thi Hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ là bước đi quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam.

"Việc sớm thực thi Hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ là bước đi quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam" - Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.

Kiến nghị của VDCA nhằm thúc đẩy ngành sáng tạo nội dung số phát triển

Từ thực tế này, DCCA đưa ra 3 kiến nghị với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách thuế đối với các cá nhân/doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế như sau:

1. Áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.

2. Với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài áp dụng thuế suất VAT là 0% (VAT 0% với cả cá nhân và doanh nghiệp). Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam: Cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế TNCN 1%; Với doanh nghiệp VAT là 10% (Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).

3. DCCA cũng kiến nghị, nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về: Thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Cụ thể, sản phẩm thuộc ngành phần mềm và công nghệ cao đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.