Chung tay xây dựng cộng đồng sáng tạo nội dung “trong lành”

Khi thị trường sáng tạo nội dung đã công khai và minh bạch, những quy định về pháp luật cũng trở nên chặt chẽ hơn, những người không có đóng góp tích cực hay các nội dung độc hại, sai sự thật cũng sẽ dần bị loại bỏ khỏi môi trường mạng.

Sáng tạo nội dung số đang là lĩnh vực thu hút nhiều thành phần, trong đó có cả lực lượng lao động trình độ cao trên toàn cầu, tạo ra một lượng doanh thu lớn lên đến hàng chục tỷ USD/ năm. Tại Việt Nam, cũng có hàng triệu người lao động tham gia sáng tạo nội dung số, góp phần giúp ngành ngày càng phát triển.

sang-tao-noi-dung-so-2.jpg

Theo báo cáo, trong năm 2022, số người Việt kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người, mang về doanh thu 1.500 tỷ đồng. Với nền tảng TikTok, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người sử dụng TikTok lớn nhất trên thế giới. Các nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook cũng thu được 2,5 tỷ USD trong năm 2022. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Với khoảng 30 - 50% doanh thu được chia sẻ cho các nhà sáng tạo nội dung, nền tảng này cũng đang tạo ra khối lượng việc làm lớn.

Có thể thấy, sáng tạo nội dung số là một mảnh đất màu mỡ tại Việt Nam. Nhưng mặt trái của sự tăng trưởng là xuất hiện nhiều nội dung độc hại, phản văn hóa, thông tin sai lệch, ảnh hưởng tới người sử dụng. Bên cạnh việc đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, cơ quan chức năng đã thêm vào các giải pháp nhằm góp phần xây dựng cộng đồng sản xuất nội dung số văn minh. Bộ TTTT cũng đã tổ chức chương trình lắng nghe, trao đổi trực tiếp với các nhà sáng tạo nội dung số, đại diện mạng lưới quản lý đa kênh, truyền thông cho các nền tảng xuyên biên giới. Nhiều thông điệp thẳng thắn đã được đưa ra và lắng nghe tại buổi làm việc.

sang-tao-noi-dung-so.jpg

Bên cạnh celeb thì nghệ sĩ có tiếng, KOL, KOC, Influencer - những người sở hữu lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội và có tầm ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng cũng là đối tượng chính mà nhãn hàng muốn hợp tác để quảng bá sản phẩm. Số tiền quảng cáo từ các nhãn hàng là nguồn thu nhập chính của nhiều nhà sáng tạo nội dung.

Vì vậy, Bộ TTTT đã tạo một danh sách tập hợp các kênh có nội dung sạch (gọi là White list) để khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung đăng ký, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng ở Việt Nam ưu tiên lựa chọn quảng cáo và có sự hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước như Bộ VHTT-DL, Bộ Y tế... Cách làm này được ví như một biện pháp giúp nắn dòng tiền quảng cáo vào kênh có nội dung sạch, đồng thời gửi thông điệp tới các nhà sáng tạo nội dung: "làm tử tế vẫn sống được, thậm chí là sống tốt".

Trước động thái của cơ quan chức năng trong việc làm sạch mạng xã hội, nhiều nhà sáng tạo nội dung và các công ty quản lý đa kênh sẽ cùng phối hợp để xây dựng môi trường lành mạnh. Đây là lợi ích cho xã hội, cũng là lợi ích lâu dài cho bản thân các nhà sáng tạo nội dung.

sang-tao-noi-dung-so-1.jpg

Bên cạnh Whitelist đang được xây dựng mở rộng, cơ quan chức năng còn bổ sung thêm Blacklist (danh sách đen) với những nội dung bị cấm. Các công ty, nhãn hàng, KOL có thể tham khảo danh sách để tránh vi phạm.

Hiện, sáng tạo nội dung đã được coi là một công việc kiếm tiền và có thuật ngữ chung là “nghề kinh tế sáng tạo”. Khi thị trường sáng tạo nội dung đã công khai và minh bạch, những quy định về pháp luật cũng trở nên chặt chẽ hơn. Vì vậy, những người không có đóng góp tích cực hay các nội dung độc hại, sai sự thật cũng sẽ dần bị loại bỏ khỏi môi trường mạng.