Alphabet thử dùng laser mang internet đến vùng sâu, vùng xa

Alphabet đang thử nghiệm cung cấp dịch vụ internet giá rẻ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn bằng việc sử dụng tia laser.

internet-1-2.jpg

Thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lý truyền dữ liệu qua tia laser

Alphabet - công ty mẹ của Google từng thất bại trong việc truyền internet đến vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa bằng cách sử dụng khinh khí cầu tầm cao trong tầng bình lưu. Nhưng bây giờ, công ty đang thử nghiệm truyền dẫn dịch vụ internet đến các khu vực này  bằng công nghệ chiếu tia laser.

Dự án có tên gọi Taara được phát triển bởi phòng thí nghiệm đổi mới của Alphabet có tên là X (biệt danh "Nhà máy Moonshot"). X là bộ phận nghiên cứu của Alphabet đảm nhận các dự án liên quan đến khoa học viễn tưởng. Nó đã tạo ra startup xe tự hành Waymo, dịch vụ chuyển phát bằng máy bay không người lái Wing và công ty khởi nghiệp công nghệ y tế Verily Life Science.

Dự án được khởi xướng vào năm 2016 sau khi nỗ lực truyền internet bằng  khinh khí cầu ở tầng bình lưu gặp sự cố do chi phí cao. Mahesh Krishnaswam, giám đốc dự án và cũng là người dẫn dắt Taara cho biết, lần này, mọi thứ đang tiến triển tốt hơn.

Các giám đốc điều hành của Taara và Bharti Airtel, một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet lớn nhất Ấn Độ chia sẻ, họ đang tiến tới triển khai công nghệ Internet laser quy mô lớn tại đất nước hình lục lăng. Tuy nhiên, phía công ty chưa tiết lộ chi tiết chi phí tài chính.

Taara đang hỗ trợ cung cấp dịch vụ Internet ở 13 quốc gia, bao gồm Úc, Kenya và Fiji. Krishnaswamy cho biết thêm họ đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Econet và công ty con Liquid Telecom ở châu Phi, nhà cung cấp internet Bluetownb ở Ấn Độ và Digicel ở Thái Bình Dương.

Ông cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng trở thành nhà cung cấp dịch vụ giá rẻ nhất tính trên mỗi gigabyte người tiêu dùng cuối sử dụng”.

internet-5.jpg

Thiết bị có kích cỡ tương đương đèn giao thông

Cỗ máy của Taara có kích thước tương đương đèn giao thông, chiếu tia laser mang theo dữ liệu giống như internet cáp quang mà không cần dây cáp. Các đối tác chịu trách nhiệm sử dụng máy móc để lắp đặt cơ sở hạ tầng "tiếp sóng" liên lạc ở những khu vực khó tiếp cận.

Gần đây, Krishnaswamy đã ở Osur - một ngôi làng Ấn Độ ông từng nghỉ hè khi còn bé để lắp đặt thiết bị Taara. Ông xác nhận Osur sẽ có Internet tốc độ cao lần đầu tiên vào mùa hè này.

Tháng 7/2020, Google đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD để số hóa Ấn Độ. Tập đoàn này cũng chi 700 triệu USD cho 1,28% cổ phần của Bharti Airtel vào năm ngoái.

Theo giám đốc công nghệ Bhari Airtel, Taara sẽ giúp cung cấp dịch vụ internet nhanh và mạnh hơn ngay tại các quốc gia đã phát triển nhờ việc giảm chi phí so với cáp quang truyền thống. Ông thông tin thêm, việc truyền dữ liệu giữa các tòa nhà ít tốn kém hơn và không gây ra nhiều rắc rối như biện pháp chôn cáp quang