Cựu chuyên gia tạo video của Google gia nhập công ty mẹ TikTok: cuộc đua mới trong ngành sáng tạo AI
Người đóng góp quan trọng cho công nghệ tạo video VideoPoet của Google đã gia nhập ByteDance - chủ sở hữu TikTok trong bối cảnh các hãng công nghệ ở cả hai bên Thái Bình Dương đang chạy đua để phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
Động thái này diễn ra sau khi mô hình Sora của Open AI đã khiến cả thế giới kinh ngạc với khả năng tạo video chân thực từ gợi ý bằng văn bản.
Ông Jiang Lu, cư trú tại San Jose (bang California) là giảng viên thính giảng tại Đại học Carnegie Mellon (CMU), đã gia nhập nhóm sáng tạo thông minh của ByteDance.
Trước đó ông Jiang đã gia nhập Google vào năm 2017, phụ trách mảng sáng tạo nội dung và học sâu cho nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm Google Ads, YouTube và đơn vị xe tự lái Waymo. Năm ngoái, trọng tâm chính của ông là VideoPoet, một mô hình ngôn ngữ lớn để tạo video được Google phát hành vào tháng 12 năm 2023.
Mô hình chuyển văn bản thành video Sora của OpenAI, phát hành ngày 16/2, đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh AI khi các gã khổng lồ công nghệ phân bổ nhiều tài nguyên hơn cho thế hệ ứng dụng tiếp theo.
Các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc đang nghiên cứu các công nghệ tương tự, bao gồm PixelDance của ByteDance được giới thiệu vào tháng 11/2023 và VideoCrafter của Tencent Holdings, nhưng cả hai đều không thể so sánh với khả năng tạo video của Sora.
Đầu tháng 2, ByteDance đã tiết lộ Boximator, một công cụ điều khiển chuyển động video để hỗ trợ tạo video, nhưng công ty cho biết công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chưa sẵn sàng để phát hành rộng rãi. Đại diện hãng cho biết: “Nó vẫn có khoảng cách lớn với các mô hình sản xuất video hàng đầu về chất lượng hình ảnh, độ trung thực và thời lượng”.
Kể từ khi OpenAI tung ra các video demo đáng kinh ngạc do Sora tạo, các doanh nghiệp Trung Quốc và các bộ phận khác trong cộng đồng công nghệ đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc sử dụng mô hình AI đó. Song khác với ChatGPT, một số người bày tỏ lo ngại về khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Quan điểm được đưa ra đó là OpenAI có thể đang nghiên cứu các “vũ khí bí mật” khác làm gia tăng thêm khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI, do các hạn chế xuất khẩu của chính quyền Biden với bán dẫn và các thành phần cốt lõi khác cần thiết cho ứng dụng AI.