Khi truyền thống là điểm tựa cho sáng tạo

Mặc dù đã mường tượng không khí làm việc “nước rút” những ngày cuối năm tại xưởng hoạt hình Sconnect Studio, nơi sẽ cho ra đời bộ phim hoạt hình điện ảnh stop motion (hoạt hình tĩnh vật) đầu tiên của Việt Nam trong năm 2025, tôi vẫn choáng ngợp khi bước chân vào “siêu phim trường thu nhỏ” đầy mầu sắc tại quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Bên trong khu vực sản xuất của dự án hoạt hình stop motion “Chiến binh Gốm” (Blank Blank), có 7-8 bối cảnh được dựng rải rác và liên tục tiến hành các công đoạn hoàn thiện đạo cụ, diễn hoạt, chụp ảnh… Từ một khu rừng rậm rạp, một lâu đài nguy nga, một nhà kho đổ nát cho đến những sinh vật kỳ ảo đều được thiết kế chi tiết và sống động.

Nghệ thuật từ đôi tay

Hoạt hình stop motion (hoạt hình tĩnh vật hay còn được gọi là hoạt ảnh chuyển động dừng) là thể loại nghệ thuật giàu tính sáng tạo với kỹ thuật tinh tế, cho dù đã hình thành từ khoảng cuối thế kỷ 19. Ngày nay, stop motion là một phần không thể thiếu trong ngành điện ảnh, không chỉ thể hiện tài năng sáng tạo của nhà làm phim mà còn phản ánh sâu sắc sự kết nối giữa nghệ thuật và công nghệ.

1vanhoa-2-6869-6612jpg.webp

Một bối cảnh stop motion tạo nên từ vô số chi tiết nhỏ được chế tác thủ công trong bộ phim của Sconnect Studio.

Bằng cách chụp ảnh từng chuyển động nhỏ của đối tượng tĩnh, ghép ảnh liên tục và kết hợp âm thanh, hiệu ứng, người làm phim tạo ra chuyển động của nhân vật một cách tự nhiên và mượt mà. Trung bình cần tới 1.500 ảnh cho một phút phim stop motion, một bộ phim dài khoảng 90 phút là giấc mơ của mọi nhà làm phim stop motion trên khắp thế giới. Và tại Sconnect Studio, mơ ước ấy đã thành hình tới 90% nhờ tâm huyết của một ê-kíp sáng tạo suốt một năm qua.

Bắt đầu sản xuất từ đầu năm 2024, bộ phim “Chiến binh Gốm” dự kiến hoàn thiện sau sáu tháng nữa và sẽ công chiếu toàn quốc vào quý III/2025. Việc phim hoạt hình stop motion đầu tiên lên màn ảnh rộng là dấu ấn đặc biệt không chỉ với riêng Sconnect Studio mà còn với hoạt hình Việt Nam nói chung, chứng minh khả năng sánh vai với các đơn vị làm phim tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đạo diễn của “Chiến binh Gốm” là Phạm Duy Anh (sinh năm 1997), cựu sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Anh cũng là đạo diễn series phim hoạt hình Clay Mixer đã vinh dự nhận giải Bộ nhân vật hoạt hình xuất sắc tại Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam năm 2023. Sát cánh cùng Duy Anh để làm nên “Chiến binh Gốm” là đội ngũ 65 họa sĩ, biên kịch, kỹ thuật viên, chuyên viên đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… phần lớn ở độ tuổi “9x”, “2k”, người trẻ nhất sinh năm 2004. Theo Duy Anh, sản xuất stop motion khác biệt với các công nghệ hoạt hình khác ở khâu đạo cụ và diễn hoạt. Mỗi bối cảnh lớn được tạo nên từ hàng nghìn, hàng chục nghìn chi tiết tí hon làm bằng nhựa, đất sét, xốp, giấy… hay từng nhân vật cũng đòi hỏi cả trăm tạo hình biểu cảm cho mỗi cảnh quay.

Hào hứng khi chia sẻ về chuyên môn của mình, chuyên viên đạo cụ Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1995) cho biết, với dự án “Chiến binh Gốm”, Sconnect Studio đã đầu tư và ứng dụng các công nghệ tiệm cận với công nghệ của các studio hoạt hình tên tuổi ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản… nhằm mang đến khán giả những trải nghiệm thị giác chất lượng cao nhất. Để tạo hình chiến binh Gốm với xuất thân từ một xưởng gốm, tổ đạo cụ đã tổ chức đi thực tế tại làng gốm Bát Tràng, tham quan, trò chuyện với nghệ nhân, tìm hiểu các đặc điểm của gốm sứ…

Do đặc thù của kỹ thuật stop motion, gốm không phù hợp cho các chuyển động, do đó các họa sĩ, kỹ thuật viên phải tìm cách tạo hình từ các chất liệu đa dạng sao cho giống gốm nhất, từ mầu sắc cho tới bề mặt. Tiếp đó, các nghệ sĩ diễn hoạt sẽ “nhập vai” và “diễn xuất”, tạo ra các thay đổi siêu nhỏ và ghi hình lại. Quá trình này không chỉ cần có kiến thức hay tư duy hình ảnh mà còn cả sự kiên trì và tập trung cao độ.

Nhưng qua đó, những con giống vô tri, những bối cảnh phức tạp mới được thổi vào sức sống kỳ diệu, linh hoạt trong từng khung hình. Ngắm nhìn một cảnh quay kéo dài hai giây nhưng đủ để cho thấy phần nào sự kỳ công và độc nhất vô nhị của stop motion, cũng như hiểu tại sao đạo diễn Phạm Duy Anh chia sẻ rằng, sản xuất đạo cụ chiếm tới phân nửa thời gian, công sức khi làm phim stop motion.

Tuy vậy, tính chất cầu kỳ và khắt khe của kỹ thuật stop motion lại có thể được đáp ứng với thế mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam: Sự tỉ mỉ, cần cù và khả năng sáng tạo dồi dào. Đó là khẳng định của Giám đốc Sconnect Studio Nguyễn Ánh Tùng (sinh năm 1990). Anh cho biết thêm rằng từ một lần hợp tác với nghệ nhân tò he, ê-kíp Sconnect đã nhận thấy tiềm năng lớn của những ứng dụng nghề thủ công Việt Nam đối với sản xuất hoạt hình nói riêng và công nghiệp sáng tạo nói chung.

Cả nước hiện có khoảng 5.400 làng nghề truyền thống với khoảng 50 nhóm nghề thủ công được đánh giá cao về giá trị văn hóa và tính nghệ thuật. Trong một lĩnh vực ngày càng phụ thuộc vào CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh kỹ thuật số) và AI (trí tuệ nhân tạo), stop motion mang đến sự đối lập mới mẻ. Cách kể chuyện thủ công, cảm xúc hoài cổ, sức mạnh từ sự chính xác và kiên nhẫn của stop motion giúp khán giả có những trải nghiệm điện ảnh chân thực, độc đáo, khó có thể bị thay thế.

Khát vọng hoạt hình “make in Vietnam”

Dù ngày nào cũng ngồi làm việc với những nhân vật và bối cảnh tí hon, lặp đi lặp lại các thao tác nhào nặn, cắt ghép, tỉa tót… nhưng Nguyễn Văn Nhân chưa từng thấy chán trong suốt tám năm gắn bó với xưởng hoạt hình Sconnect. Mỗi bộ nhân vật mới đều mang lại các khám phá và kỹ năng mới mẻ, thú vị cho anh cũng như các nhân viên, cộng tác viên tổ đạo cụ. Giờ đây, đội ngũ “nghệ nhân” trẻ càng phấn khởi và tự hào khi đóng góp một phần vào tác phẩm hoạt hình stop motion đầu tiên ở Việt Nam với sự đầu tư chỉn chu và quy mô lớn nhất từ trước tới nay, sắp ra rạp phục vụ khán giả.

img-9633-min.JPG

Đạo diễn Phạm Duy Anh (đeo kính) và Giám đốc Sconnect Studio Nguyễn Ánh Tùng chăm chút một cảnh quay hoạt hình “Chiến binh Gốm”.

Do chi phí lớn và thời gian kéo dài, stop motion vẫn được xem là cuộc chơi không hề đơn giản ngay cả với những xưởng phim lâu đời, những đạo diễn lừng danh đến từ các nền điện ảnh phát triển. Tuy vậy, nhiều thế hệ công chúng yêu điện ảnh vẫn say mê những sinh vật kỳ bí của Ray Harryhausen hay thế giới đầy mê hoặc được Tim Burton tạo ra, những kỳ quan hiện đại của Laika Studios hay bộ phim “Pinocchio của Guillermo del Toro” giành giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar 2023. Trên thế giới có hàng nghìn xưởng hoạt hình stop motion, song chỉ 1-2% trong số đó có khả năng sản xuất phim điện ảnh. Và “Chiến binh Gốm” của Sconnect Studio đến từ Việt Nam sẽ là xưởng phim tiếp theo ghi tên mình vào tỷ lệ ít ỏi đó.

Đạo diễn Phạm Duy Anh cho biết, trong tác phẩm lớn đầu tay này, ê-kíp muốn mang đến góc nhìn mới, đưa một câu chuyện mang tính quốc tế để tiếp cận khán giả toàn cầu. Nhân vật chính là cậu bé người Gốm, ra đời từ bàn tay một nghệ nhân làm gốm và luôn sống trong cô đơn vì sự khác biệt của mình. Một ngày, biến cố xảy ra đưa cậu và người bạn chó sứ vào cuộc phiêu lưu qua những vùng đất lạ lùng, gặp gỡ các nhân vật mới cả tốt và xấu.

Sau hành trình ấy, chiến binh Gốm từ một nhân vật trống rỗng bên trong đã được lấp đầy bởi những cảm xúc phong phú và cứu thế giới trong phim khỏi những âm mưu xấu xa. Hướng tới khán giả nhỏ tuổi và các gia đình, bộ phim gửi gắm thông điệp gần gũi, không quá phức tạp. Yếu tố đặc biệt sẽ là các tình huống tạo nên sự trưởng thành và hoàn thiện của nhân vật, các mối quan hệ tình bạn, tình thân… và phần hình ảnh mãn nhãn từ stop motion - công nghệ thách thức mọi studio hoạt hình chuyên nghiệp.

“Chiến binh Gốm” cũng đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược của Sconnect Việt Nam, khi hãng tiên phong đầu tư phát triển phim hoạt hình điện ảnh dù đang sở hữu mảng phim ngắn stop motion chiếm thị phần hàng đầu trên các nền tảng số. Thực tế thời gian qua, hai bộ nhân vật stop motion là Luka và Tiny của Sconnect Studio đã đạt hơn 300 triệu view mỗi tháng trên YouTube, ngoài ra còn chiếu trên các kênh truyền hình trả phí tại Việt Nam và một số quốc gia, riêng ở Trung Quốc được phân phối độc quyền trên khoảng 40 ứng dụng nội địa của đất nước hơn tỷ dân.

Tuy nhiên, tập thể những nghệ sĩ, kỹ sư, doanh nhân… của Sconnect Studio đều đau đáu ấp ủ dự định, khao khát tạo ra các sản phẩm gây tiếng vang, những nhân vật trở thành thương hiệu, tiếp cận được đông đảo khán giả trong lẫn ngoài nước. Anh Nguyễn Ánh Tùng nhiều lần nhắc đến niềm tự hào ở đội ngũ nhân sự trẻ tài năng, nhiệt huyết và cho rằng về công nghệ thì hoạt hình Việt còn phải học hỏi nhiều, song về thủ công thì chúng ta có ưu thế nhân lực và truyền thống. Phim hoạt hình Việt trong lịch sử 65 năm qua cũng từng giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá…

Và ở thời điểm này, khi Việt Nam đang là quốc gia phát triển rất nhanh về mặt công nghệ cũng như tập trung quan tâm và đẩy mạnh các ngành công nghiệp sáng tạo, nhiều cá nhân và đơn vị sản xuất hoạt hình đều có chung khát vọng lan tỏa trí tuệ Việt và giá trị Việt ra thế giới. Với Sconnect Studio, dự án hoạt hình stop motion “Chiến binh Gốm” được đầu tư chiến lược với định hướng rõ ràng, không chỉ phần hình ảnh mà cả âm thanh cũng được đồng bộ với những tiêu chuẩn chất lượng rất cao của điện ảnh quốc tế, có kho nhạc bản quyền… Bộ phim còn nhận được sự cố vấn, hỗ trợ của những chuyên gia uy tín trong ngành điện ảnh như nhà biên kịch-Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hà (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), họa sĩ-đạo diễn Vũ Duy Khánh, đạo diễn hình ảnh Trang Công Minh, nhà biên kịch Phạm Đình Hải.

Từ ý tưởng đến từ những chú tò he xinh xắn bằng bột, những bàn xoay gốm nơi làng cổ khắp Việt Nam, qua sự kết hợp của kỹ thuật hoạt hình stop motion và các công nghệ hiện đại, chúng ta cùng đón chờ phim hoạt hình Việt Nam tạo nên kỳ tích mới trong năm 2025, mở đường cho nhiều tiếng nói và câu chuyện đa dạng đến với đông đảo công chúng.