VDCA tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025
Sáng 11/1/2024, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024 đánh dấu nhiều hoạt động thiết thực của VDCA
Phát biểu tại buổi tổng kết hoạt động năm 2024 và báo cáo phương hướng nhiệm vụ 2025 của Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) nêu rõ, năm 2024 đã đánh dấu nhiều hoạt động thiết thực của Hội. VDCA tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam lần thứ 7; tổ chức Hội thảo chuyên ngành bên lề Giải thưởng Chuyển đổi số - chào mừng Ngày chuyển đổi số Việt Nam (10/10).
Hội lần thứ hai tổ chức và trao giải thưởng Sáng tạo nội dung số vào tháng 9; tổ chức sự kiện VDCA Conference tháng 11 với sự chủ trì của Chi hội Truyền thông số phía Nam - thu hút hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Ngoài ra, Hội Truyền thông số cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo, phản biện chính sách theo nhiệm vụ và chức năng của mình.
Theo Chủ tịch VDCA, trong năm 2025, Hội sẽ tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chính sách phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số của Chính phủ; chính sách tinh giản bộ máy của Đảng và Chính phủ để xây dựng và thực hiện các hoạt động của Hội. VDCA đề ra 33 nhiệm vụ sẽ thực hiện trong năm 2025.
"Nhiệm vụ năm nay rất nặng nề nhưng tôi tin với sự nhiệt tâm và đồng lòng của các thành viên, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra", ông Nguyễn Minh Hồng khẳng định.
Giao trách nhiệm cho từng lãnh đạo, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ
Thay mặt Ban tổ chức, ông Vũ Kiêm Văn, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch VDCA đã báo cáo kết quả công tác Hội năm 2024 và kế hoạch trọng tâm 2025. Ông Văn cho biết VDCA hiện có 14 đơn vị trực thuộc, hoạt động trải dài trong 5 lĩnh vực: nghiên cứu, đào tạo, phản biện chính sách, truyền thông số, chuyển đổi số. Trong năm qua, Hội đã tổ chức 3 hội nghị Ban thường vụ/Ban chấp hành và thực hiện đầy đủ các chế độ báo cáo theo quy định của Liên hiệp các Hội KH&CN Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Vũ Kiêm Văn đánh giá, trong năm 2024, Hội đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động đã trở thành thương hiệu, như: Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; Giải thưởng Sáng tạo nội dung số.
Có những phần việc mới, Hội đã thực hiện rất thành công như Hội thảo An toàn thông tin trong chuyển đổi số do Tạp chí VietTimes phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức. Đây là tiền đề để Hội phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện trong năm tới.
Cũng trong năm 2024, Hội kiện toàn lãnh đạo Tạp chí VietTimes, kiện toàn Ban pháp lý, Ban truyền thông và phát triển hội viên của Hội; kết nạp được thêm 150 hội viên cá nhân và tập thể. Hội cũng đã hợp tác với các hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về truyền thông số, chuyển đổi số.
Các hoạt động về phản biện chính sách và đào tạo cũng đã được Hội thực hiện đầy đủ. Hội đã phối hợp với Samsung, Viettel... tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về AI, IoT; hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đào tạo các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số.
Trong năm 2025, theo quán triệt của Chủ tịch Hội và Ban thường vụ, VDCA đã xây dựng chương trình khung với 33 nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo và từng đơn vị để thực hiện, trên cơ sở bám sát vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ông Vũ Kiêm Văn thông tin, năm 2025 Hội sẽ lần đầu tiên phối hợp với một địa phương để xây dựng chương trình toàn diện về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, từ đó làm điển hình nhân rộng, phối hợp với các địa phương khác. Bên cạnh đó, VDCA sẽ phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội để mở rộng chương trình cũng như phạm vi hoạt động của mình.
Một sự kiện khác cũng sẽ được Hội tổ chức vào dịp cuối năm 2025 là Kỷ niệm 10 năm thành lập Tạp chí điện tử VietTimes - cơ quan ngôn luận của Hội.
VDCA cần chia sẻ kinh nghiệm quý giá
Phát biểu tại buổi tổng kết, bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) cho rằng với 14 năm hình thành và phát triển, VDCA không phải Hội có nhiều thâm niên, nhưng đã có những hoạt động rất hữu ích, nắm vững yêu cầu nhiệm vụ về truyền thông số, chuyển đổi số.
Ngày 8/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2024 về quản lý tổ chức hoạt động của các Hội. Đây là bước tiến mới trong việc quản lý tổ chức, tạo ra cơ chế hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động của các Hội.
Với vai trò đại diện cơ quan quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động của Hội, bà Hằng mong muốn các thành viên trong Ban chấp hành VDCA nghiên cứu để thực hiện đúng theo các quy định trong Nghị định.
Bà Hằng đánh giá thời gian qua Hội đã tổ chức thành công các giải thưởng lớn, như: Giải thưởng Chuyển đổi số, Sáng tạo nội dung số. Đây là những kinh nghiệm quý giá VDCA có thể chia sẻ để các Hội nghề nghiệp khác học tập, bà Hằng nêu rõ.
Tại sự kiện, Hội VDCA đã trao chứng nhận khen thưởng cho 6 tập thể và 14 cá nhân có thành xuất sắc. Cụ thể:
I. Tập thể:
1. Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA).
2. Trung tâm Bản quyền số (DCC).
3. Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS).
4. Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Bồi dưỡng kiến thức Truyền thông số (CRC).
5. Chi Hội nhà báo Truyền thông số Việt Nam.
6. Tạp chí điện tử VietTimes.
II. Cá nhân:
1. Ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam.
2. Bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ nhiệm, Tổng thư ký Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam.
3. Bà Nguyễn Hoàng Thảo Ngọc, Trưởng Ban Chuyên môn Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam.
4. Ông Nguyễn Đắc Thắng, Trưởng Ban Hội viên Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam.
5. Ông Nguyễn Bá Chiêm - Tổng thư ký toà soạn Tạp chí điện tử VietTimes.
6. Bà Lâm Quỳnh Như, Phó Trưởng Ban truyền thông Chi hội Truyền thông số Phía Nam.
7. Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, Trưởng ban phát triển đối tác Datacenter & Cloud Chi hội Truyền thông số phía Nam.
8. Ông Nguyễn Sỹ Đôn, Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền số.
9. Bà Hoàng Thị Lệ Thùy, Hội viên Chi Hội nhà báo Truyền thông số Việt Nam.
10. Bà Nguyễn Thị Hoàng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Bồi dưỡng kiến thức Truyền thông số.
11. Bà Trần Thị Tuyết - Quản lý Chương trình Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông.
12. Bà Nguyễn Lan Phương - Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội Truyền thông số Việt Nam.
13. Ông Phan Đức Hùng - Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam.
14. Ông Vũ Trung Hiệp - Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Linkstar.