Các hoạt động của trẻ em trên Internet

Điều tra hộ gia đình cho thấy các hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của trẻ em là xem video, lướt mạng xã hội và nhắn tin. Nhiều trẻ em cũng nói mình lên mạng để làm bài ở trường và tra cứu thông tin mới. Nhóm trẻ lớn thường tham gia nhiều hoạt động trực tuyến hơn so với nhóm trẻ nhỏ.

Cần lưu ý rằng các loại hoạt động này không tách biệt với nhau. Ví dụ, việc xem video có thể là một phần trong việc trẻ em lên mạng làm bài tập ở trường.

22% trẻ em chia sẻ thông tin cá nhân trên Internet

Sự khác biệt giữa 2 giới về hoạt động trên Internet là không đáng kể. Trong hầu hết các hoạt động, sự tham gia của trẻ em gái cao hơn trẻ em trai một chút - đặc biệt là việc sử dụng ứng dụng nhắn tin, nói chuyện với người nhà hoặc bạn bè sống ở xa, theo dõi người nổi tiếng. Trong khi trẻ em trai sẽ chơi điện tử hàng tuần nhiều hơn trẻ em gái.

Một lo ngại phổ biến liên quan đến hoạt động trực tuyến của trẻ em là tiếp xúc với mối nguy hiểm từ người lạ. Khi được yêu cầu đánh giá mức độ rủi ro của các hành vi trực tuyến khác nhau, 52% người chăm sóc trong khảo sát nói rằng trò chuyện với một người trên Internet mà chưa từng gặp ngoài đời là việc rất rủi ro đối với trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em sử dụng Internet ít lo lắng về vấn đề này hơn, chỉ có 33% đánh giá hành vi này là rất rủi ro với lứa tuổi của mình. Trong khi phần lớn trẻ em công nhận hành vi này ẩn chứa rủi ro nhất định, 28% trẻ em nói rằng trò chuyện với người lạ trên mạng không hề rủi ro. Trên thực tế, có tới 56% trẻ em trả lời rằng các em tìm kiếm bạn mới hoặc thông tin liên lạc mới trên Internet, trong khi 33% trẻ em thêm những người chưa từng gặp trước đây vào danh bạ liên lạc của mình.

internet-4.jpg

Trong số trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát, có 57% cho rằng việc gửi thông tin cá nhân cho một người chưa từng gặp ngoài đời là rất rủi ro, con số này ở nhóm người chăm sóc là 76%. Trong khi đa số trẻ em công nhận việc làm này ẩn chứa rủi ro nhất định, vẫn có 8% trẻ em cho rằng không hề rủi ro khi chia sẻ thông tin cá nhân với người mà các em chỉ biết qua Internet. Trên thực tế, 22% trẻ em từng chia sẻ thông tin cá nhân của mình với một người chưa từng gặp ngoài đời.

Bên cạnh đó, 51% trẻ em cho rằng việc gặp mặt một người ban đầu quen qua mạng là “rất rủi ro”, 72% người chăm sóc cũng có chung quan điểm như trên. Trong khi có nhiều trẻ em công nhận việc làm này chứa một số rủi ro nhất định, có 10% cho rằng việc gặp gỡ một người ban đầu quen qua mạng không hề rủi ro. Trên thực tế, trong số trẻ em trả lời khảo sát, 5% đã từng gặp một người quen qua mạng ở ngoài đời.

internet-1-1.jpg

Kỹ năng số của trẻ em

Mặc dù chỉ có 36% trẻ nhỏ (phần lớn từ 16 - 17 tuổi) cho biết đã được hướng dẫn về các đảm bảo an toàn trên mạng nhưng đa phần các em đều nói mình có kiến thức, kỹ năng về an toàn trên mạng như biết cài đặt quyền riêng tư, nhận thức được hình ảnh nào nên và không nên chia sẻ trên mạng, có kiến thức về các báo cáo nội dung độc hại trên mạng. Ngoài ra, người chăm sóc cũng ít áp dụng các biện pháp kiểm soát mang tính hỗ trợ đối với hoạt động trên mạng.

Rào cản phổ biến nhất đối với việc truy cập và sử dụng Internet của trẻ em Việt Nam là sự hạn chế từ người chăm sóc và giáo viên. Các tiếp cận này có thể giảm thiểu việc trẻ em tiếp xúc với rủi ro trực tuyến trong ngắn hạn nhưng nó cũng làm hạn chế kỹ năng số và sự quen thuộc của trẻ với môi trường mạng về lâu dài.

Mặt khác, việc người lớn tham gia và kiểm soát theo hướng hỗ trợ có liên quan đến việc phát triển kỹ năng tích cực cho trẻ ở các quốc gia khác. Sự kiểm soát mang tính hỗ trợ bao gồm những việc như tham gia các hoạt động cùng nhau, trò chuyện với trẻ em về sử dụng Internet, giáo dục các em về rủi ro tồn tại trên mạng và cách tốt nhất để phòng tránh rủi ro. Bằng cách này, trẻ em có thể hưởng lợi từ nhiều hoạt động, kỹ năng hữu ích mà môi trường Internet mang lại, đồng thời được cha mẹ, người chăm sóc hướng dẫn và hỗ trợ khi gặp phải các tổn hại trên mạng. Do đó, người chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên không gian trực tuyến.

internet-thumb.jpg

Nghiên cứu của dự án ngăn chặn hành vi gây tổn hại cũng cho thấy số ít người chăm sóc khuyến khích các em tìm hiểu và học hỏi trên Internet, gợi ý cách sử dụng Internet an toàn, hay thường có hoạt động chung với các em trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra, nhiều người chăm sóc thừa nhận rằng trẻ em/ con cái họ còn biết nhiều về Internet hơn chính họ.

Vì đa phần người chăm sóc đều từng sử dụng Internet và trẻ em thường vào mạng ở nhà nên tại Việt Nam, nhóm người chăm sóc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ em sử dụng Internet. Đối với những người chăm sóc ít sử dụng mạng và kỹ năng số hạn chế, họ có thể cần thêm kiến thức và sự hỗ trợ để có thể định hướng việc sử dụng Internet của trẻ em. Trường học cũng có thể hỗ trợ người chăm sóc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng bằng cách đưa hướng dẫn sử dụng Internet an toàn và nội dung phòng chống BL&XHTD trẻ em qua mạng vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để đảm bảo thực hiện hiệu quả việc này là đội ngũ giáo việc được đào tạo đầy đủ.