Cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ cho biết mình là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến tại Việt Nam. Với các hành vi xâm hại, gây tổn hại cho trẻ trên môi trường số, cần có khung pháp lý bảo vệ trẻ hiệu quả, mang tính răn đe mạnh mẽ.

Bóc lột và xâm hại tình dục (BL&XHTD) trẻ em qua mạng đề cập đến tình huống liên quan đến không gian số, Internet và công nghệ truyền thông tại một thời điểm trong quá trình xâm hại hoặc bóc lột. Hành vi này có thể xảy ra hoàn toàn trên mạng hoặc có cả sự tương tác trực tiếp lẫn trên mạng giữa kẻ phạm tội và trẻ em.

Tại Hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội",  bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết xâm hại và bóc lột tình dục là những mối đe dọa trực tiếp đối với trẻ em trên mạng xã hội với khoảng 750.000 nam giới trên toàn cầu tìm kiếm nội dung tình dục trẻ em trên trực tuyến. Trong khi đó, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ cho biết mình là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến tại Việt Nam.

emagazine7-03-1.jpg
emagazine7-14-2.jpg

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Giáo dục, Văn phòng Quốc hội, hiện, Quốc hội đã ban hành 4 luật có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng, bao gồm Luật An toàn thông tin trên mạng; Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng.

Ngoài 4 luật chính, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 121/2020/QH14 năm 2020, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em với những nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành kịp thời Chỉ thị số 14 về việc tăng cường bảo đảm an ninh mạng và Chỉ thị số 23 về tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

emagazine7-05-1.jpg

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Chương trình có mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng việc trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ trên môi trường mạng. Đồng thời, duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

emagazine7-06-1.jpg

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 72/NĐ-CP (ban hành năm 2022), trong đó chú trọng vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất, chú trọng việc quản lý mạng xã hội, coi việc áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet là một trong những nội dung quan trọng để phát triển, quản lý Internet. Thứ hai, bổ sung trách nhiệm của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội (bao gồm cả các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam) về điều kiện kỹ thuật, đảm bảo có giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, cảnh báo và tiếp nhận cảnh báo đối với các nội dung không phù hợp với trẻ em, có các hình thức báo vi phạm dễ nhận biết; bổ sung quy định về thu thập thông tin cá nhân liên quan đến trẻ em (phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ).

emagazine7-07-1.jpg

Bộ TT&TT khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất, phổ biến các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em khỏi các trang web đen độc hại. Khuyến khích việc phát triển các dịch vụ nội dung phù hợp với trẻ em. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển các trò chơi điện tử có nội dung giáo dục về văn hóa, lịch sử, kiến thức phù hợp với trẻ em.

Cục An toàn thông tin cũng đã đưa ra kế hoạch đánh giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Đối tượng áp dụng là nhóm sản phẩm có chức năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và nhóm sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.

emagazine7-08-1.jpg

Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT cũng sẽ tổ chức hội nghị định hướng, vận động, chia sẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển các chính sách, sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

emagazine7-15-2.jpg

Tính riêng năm 2022, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã tiếp nhận 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em.

emagazine7-09-1.jpg
 

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 3 lượt thông báo về các kênh/ video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong 128 cuộc gọi, có 124 cuộc tư vấn và 4 ca kết nối, can thiệp cho trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng.
 

Từ năm 2020, Tổng đài 111 đã phát triển phần mềm để thu thập thông tin, số liệu về môi trường mạng; Phát triển, mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại; Đăng tải thông tin, bài viết tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên các nền tảng, ứng dụng. Đồng thời, tổng đài cũng xây dựng quy trình tiếp nhận thông và xử lý các cuộc gọi có liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Tiến hành tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên tư vấn, cộng tác viên về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

emagazine7-10-1.jpg

Tại hội thảo, ông Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã chia sẻ về Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ LĐ-TBXH, Bộ TTTT trong tiếp nhận, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

emagazine7-11-1.jpg

Về công tác triển khai, Bộ Công an đã chủ động thiết lập hơn 850 đầu mối là cán bộ trinh sát, cán bộ điều tra trên cả nước với một đầu mối tại Cơ quan CSĐT cấp huyện, 2 đầu mối gồm lãnh đạo và cán bộ phụ trách tại công an cấp tỉnh.

Thông qua kênh phối hợp nhanh, A05 đã tiếp nhận thông tin từ Tổng đài 111, xác minh ban đầu và điều phối Công an địa phương xử lý nhiều vụ việc, đối tượng thông qua môi trường mạng dụ dỗ, xâm hại tình dục trẻ em, xâm phạm quyền trẻ em. Xây dựng các quy trình công tác, kiểm tra, hướng dẫn công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa phương. Tham gia, phát huy vai trò tích cực trong Thành viên “Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, xây dựng nhiều quy trình công tác, văn bản phục vụ tập huấn, hướng dẫn về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Phối hợp Cục Trẻ em, Tổ chức ChildFund nghiên cứu, xây dựng Bộ Thuật ngữ về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, phục vụ công tác tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, chuyên viên của các tổ chức tại địa phương.

emagazine7-16-2.jpg

Một trong những giải pháp công nghệ được giới thiệu tại hội thảo là SafeGate Family do Công ty cổ phần an minh mạng SafeGate phát triển. Thiết bị này có tác dụng chống tấn công lừa đảo, ngăn chặn kết nối tới máy chủ cung cấp mã độc, bảo vệ toàn diện các thiết bị máy tính, laptop, điện thoại thông minh... Đồng thời, SafeGate Family sẽ chủ động bảo vệ trẻ trước thông tin độc hại, lừa đảo; hỗ trợ kiểm soát cân bằng giữa học tập và giải trí, từ đó giúp bố mẹ đồng hành cùng con trong suốt quá trình sử dụng.

Tuy có tính bảo mật và bảo vệ cao nhưng thiết bị này chỉ mang tính đồng hành, hỗ trợ. Trong quá trình sử dụng các công cụ bảo vệ vẫn cần sự đồng hành của phụ huynh để kèm cặp, giám sát và thấu hiểu tâm tư của con trẻ.     

emagazine7-12-1.jpg

Tổng kết Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết cộng đồng cần chung tay tạo lập cuộc sống, môi trường thế giới số ngày càng an toàn, lành mạnh với trẻ. Tuy đã có một mạng lưới ứng phó bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhưng trong thời gian tới, chúng ta cần tích cực triển khai thêm một số giải pháp.

Thứ nhất, cần đánh giá nhanh ở tầm chiến lược, tầm dự báo những kinh nghiệm ở Việt Nam và quốc tế để làm sao có những giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn trong công tác bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Thứ hai, chúng ta cần thúc đẩy việc thu thập thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các cấp, cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng. Tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, tính bảo vệ trẻ em, đấu tranh, xử lý có hiệu quả những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng, gắn kết với các quy trình phòng chống xâm hại trẻ em. Tiếp tục truyền thông, giáo dục tập huấn về kiến thức kỹ năng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ cho cha mẹ, giáo viên, những người chăm sóc trẻ em, những người làm trong tổ chức cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em mà cần cho chính trẻ em.

emagazine7-13-1.jpg

Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam đã chia sẻ về giải pháp tạo "vaccine số" để trẻ tự bảo vệ bản thân trên môi trường không gian mạng. Loại "vaccine" này cần được tạo bởi những giải pháp về mặt kỹ thuật cũng như các kiến thức kỹ năng đồng hành cùng trẻ của giáo viên và phụ huynh. Khi người lớn có kỹ năng tôn trọng quyền riêng tư và ý kiến của trẻ thì vaccine số sẽ được tiếp nhận một cách bền vững.

Về phía UNICEF, đại diện tổ chức đề xuất cần có hành động ứng phó cấp quốc gia, tạo ra những hành động mang tính tổng thể để bảo vệ trẻ trước tình trạng xâm hại, bạo lực trên Internet. Với các hành vi xâm hại, gây tổn hại cho trẻ em trên môi trường số thì cần có khung pháp lý bảo vệ trẻ hiệu quả, có tính răn đe mạnh mẽ.

emagazine7-02-1.jpg