Tại Hội nghị Khai thác thị trường quốc tế và Chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số diễn ra ngày 31/3 tại Hà Nội, các vấn đề về chính sách thuế đối với các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng miễn phí đã được chuyên gia thảo luận với nhiều kiến nghị cụ thể.

emagazine2-01.jpg
emagazine2-02.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho rằng, sáng tạo nội dung số là một trong những cấu phần quan trọng của công nghệ số - một trong những ngành không thể thiếu trong phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam. Tuy ngành về sáng tạo nội dung còn mới nhưng nhiều doanh nghiệp đã có vị thế nhất định trên thị trường. 

Mặc dù đạt kết quả khả quan nhưng hiện nay, việc phát triển ngành này chưa được như kỳ vọng vì còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, đặc biệt trong hoạt động quản lý nội dung và thuế.

emagazine2-03.jpg

Theo Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, sáng tạo nội dung số đã được ưu tiên thúc đẩy phát triển nhưng còn gặp nhiều vấn đề về cấp phép, quá trình tiền kiểm, hậu kiểm... khi doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cung cấp lên hệ thống hay các nền tảng xuyên biên giới.

Với các vấn đề về thuế, theo quy định hiện có thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là một trong những điểm chính cần tìm hướng gỡ trong bối cảnh sáng tạo nội dung số được nhìn nhận như một hoạt động kinh doanh thông thường, chưa có các quy định cũng như ưu đãi cho ngành nghề mà thậm chí còn bị tình trạng thuế chồng thuế khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới.

emagazine2-04.jpg

Ông Nguyễn Việt Tiệp, Chuyên viên cao cấp về kế toán thuế (đại diện Liên minh Sáng tạo Nội dung số - DCCA) đã cung cấp một bức tranh tổng quan về các loại thuế đang được áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức tham gia sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên nền tảng quốc tế. Đồng thời, đại diện DCCA cũng đưa ra một số đề xuất đối với chính sách thuế dành cho lĩnh vực sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí MMO (Make Money Online).

Theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế đối với cơ quan của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt đến từ Mỹ, trong khi các lượt xem từ các quốc gia khác sẽ không bị khấu trừ.

capture.jpg

Ông Nguyễn Việt Tiệp, Chuyên viên cao cấp về kế toán thuế trình bày tại hội nghị
Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu.

Khi dòng tiền về Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/ doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế.

emagazine2-06.jpg
emagazine2-07.jpg
emagazine2-08-copy.jpg

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, việc các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ là vấn đề tồn tại nhiều năm, chưa được tháo gỡ, gây ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang phục vụ thị trường nước ngoài.

Theo ông Thành, để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài cần tận dụng nền tảng quốc tế, nền tảng số toàn cầu để tạo ra các giải pháp sản phẩm của mình trên đó và cung cấp cho các khách hàng toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam.

Ông Thành cũng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong cuộc làm việc với phái đoàn Mỹ gần đây, cho rằng doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam nên hợp tác chung. Doanh nghiệp Mỹ giỏi bài toán lớn nhưng không có đủ nguồn lực hoặc không chú ý tới những bài toán nhỏ. Tuy nhiên, đây chính là vùng lõm trong trải nghiệm của khách hàng, đồng thời cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam rất giỏi. Vì vậy doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp quốc tế nên "cộng sinh" theo nguyên tắc chung để nền kinh tế số có cơ hội phát triển.

emagazine2-09.jpg

Đại diện USABC cũng đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc về thuế. Theo đó, các chính sách về thuế cần mang tính thống nhất và hỗ trợ thúc đẩy. Việc này liên quan mật thiết tới khuôn khổ pháp lý cần sự đồng bộ, tránh thực trạng mỗi nước hay mỗi khu vực dựng lên một khuôn khổ pháp lý riêng của mình.

Về nguyên tắc quản lý dữ liệu, ông Thành cho biết, dữ liệu phải đảm bảo được lưu truyền thông suốt không bị dựng các hàng rào để yêu cầu cấp phép hay ngăn chặn: "Chưa nói tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà ngay trong phạm vi một doanh nghiệp nội dung số thì tư duy về việc cạnh tranh sòng phẳng hay "dựng hàng rào" cũng khác nhau. Thực tế tại nhiều doanh nghiệp, bộ phận nội dung số thì mang tư duy phục vụ khách hàng toàn cầu nhưng nhiều bộ phận khác. Ví dụ, bộ phận nội dung số làm về truyền hình lại có tư duy phục vụ khách hàng trong nước nên họ rất mong dựng lên các hàng rào để bảo vệ và ngăn chặn nền tảng nước ngoài.

Như vậy, trong cùng một doanh nghiệp làm kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, cùng một nhà đầu tư, cùng một ban lãnh đạo nhưng các bộ phận khác nhau vận động cho những quy định trái ngược nhau. Tư duy này làm doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được”.

Theo ông Thành, các doanh nghiệp cần chấp nhận cạnh tranh toàn cầu, bình đẳng, không có ưu tiên, ưu đãi riêng. Doanh nghiệp Việt Nam làm nội dung số nên có tư duy mạnh dạn từ ban đầu để khả năng thành công cao hơn.
 

emagazine2-10.jpg

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VDCA cho biết, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội dung số đang gặp phải không ít rào cản, trong số đó có chính sách thuế, rào cản về cơ chế, về bản quyền và sở hữu trí tuệ.

"Mặc dù là quốc gia sáng tạo nhưng ý tưởng sáng tạo của chúng ta chưa thật sự đột phá mà còn giản đơn, vẫn thường sao chép và copy ý tưởng, nhất là hoạt động sáng tạo ngày càng bị cạnh tranh bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Sức bền của doanh nghiệp nội dung số Việt Nam chưa cao, hầu hết chỉ nổi lên trong thời gian ngắn", ông Văn cho hay.

Tổng Thư ký VDCA cho rằng, nếu doanh nghiệp nội dung số được tháo gỡ những rào cản về thể chế và có thêm những nguồn lực thúc đẩy từ nhà nước như: Đào tạo nhân lực, hỗ trợ thúc đẩy thị trường, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thì tiềm năng phát triển của nội dung số Việt Nam là rất lớn. 

emagazine2-11.jpg

Cũng theo ông Văn, với vai trò là nơi bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, Hội truyền thông số Việt Nam đã tích cực kiến nghị Tổng cục Thuế và sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để có thể gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.

Nhắc đến thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng ưu tiên phân phối nội dung trên các nền tảng nước ngoài mà hạn chế cấp trên nền tảng Việt Nam vì bị hạn chế về giấy phép, ông Văn đã đề xuất áp dụng phương pháp giám sát, hậu kiểm thay phương pháp tiền kiểm bằng hành lang, bằng giấy phép như hiện nay.

emagazine2-12.jpg

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) xác nhận chưa có nhiều chương trình, đề án cụ thể đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

"Việc doanh nghiệp số đơn độc tiến ra nước ngoài là có và vấn đề này chúng tôi đang lưu ý. Chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động cụ thể khi các doanh nghiệp đi ra nước ngoài với sự hỗ trợ của nhiều công cụ, nhiều chương trình cùng sự phối hợp của nhiều bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội đã đi ra nước ngoài thành công đều rất sẵn sàng hỗ trợ, để phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài", ông Triệu Minh Long cho biết.

emagazine2-13.jpg
emagazine2-14.jpg