Với sự lớn mạnh của YouTube, TikTok…, ngành giải trí trực tuyến hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ với CAGR dự kiến đạt 20.82%, trong đó riêng hình thức giải trí bằng video chiếm 43,3%.
Theo Mordor Intelligence, hiện trạng của hệ sinh thái nội dung số và dịch vụ số sẽ được đánh giá dựa trên 3 yếu tố: cơ sở hạ tầng, thiết bị, hỗ trợ ngôn ngữ địa phương. Hệ sinh thái nội dung số khó có thể phát triển mạnh mẽ nếu thiếu một cơ sở hạ tầng bền vững. Các thiết bị cũng tác động đáng kể đến bản chất nội dung đang được tiêu thụ, thậm chí cả tần suất tiêu thụ. Ngoài ra, việc hỗ trợ ngôn ngữ địa phương và hiển thị ký tự theo chuyên ngành của nền tảng và nhà cung cấp hệ điều hành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái nội dung cục bộ.
Mordo Intelligence cho biết, hệ sinh thái Nội dung số và Dịch vụ số có 4 mảng chính là Giải trí, Thông tin, Dịch vụ tiện ích và Kinh doanh. Cụ thể:
Giải trí: Video, trò chơi điện tử, âm nhạc...
Thông tin: Tin tức, nghề nghiệp, thể thao...
Dịch vụ tiện ích: Dịch vụ công, sức khỏe, giáo dục...
Kinh doanh: Thương mại điện tử, ngân hàng, dịch vụ online…
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó lấy sản xuất hoạt hình là sản phẩm cốt lõi. Những doanh nghiệp tiêu biểu kinh doanh phim hoạt hình có thể kể đến như Sconnect, Sun Wolf Animation Studio…
Theo dự báo về quy mô tăng trưởng thị trường hoạt hình toàn cầu tới năm 2030, thị trường có quy mô lớn nhất là Bắc Mỹ, trong khi Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.
Các yếu tố dẫn dắt xu hướng thị trường gồm:
- Sự phát triển của các nền tảng truyền thông kỹ thuật số và các dịch vụ phát sóng trực tuyến.
- Ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất hoạt hình (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), thực tế tăng cường...)
- Ngành công nghiệp hoạt hình từng bước toàn cầu hóa với các hãng phim và công ty sản xuất hoạt động ở nhiều quốc gia, hướng tới khán giả trên toàn thế giới.
- Ngành công nghiệp hoạt hình không ngừng đổi mới (trò chơi video và thực tế ảo).
- Kinh doanh: Các thương hiệu hoạt hình đạt doanh thu đáng kể thông qua kinh doanh sản phẩm dịch vụ xoay quanh sản phẩm cốt lõi (bao gồm đồ chơi, quần áo, dịch vụ giải trí...)
Trong số những yếu tố này, thành phần dẫn dắt xu hướng thị trường chính là việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật và tập trung phát triển hệ sinh thái sản phẩm.
Covid-19 khiến nhiều công ty trong ngành hoạt hình phải chịu hậu quả nặng nề. Đại dịch làm gián đoạn công đoạn sản xuất, ảnh hưởng tới các hoạt động hậu kỳ, từ đây tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường.
Tuy nhiên, sau dịch bệnh, các nước đã “bình thường hóa” và mở cửa trở lại. Ngành hoạt hình cũng đang vực dậy và từng bước khởi sắc. Báo cáo của Mordor Intelligence cho thấy, thị trường hoạt hình và VFX (Visual Effect - kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh) được kỳ vọng sẽ có tốc độ tăng trưởng CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) đạt 12,32% trong giai đoạn 2022 - 2030.
Hiện nay, một số ngành công nghiệp, đặc biệt là điện ảnh có xu hướng tăng giá trị hoặc ngân sách sản xuất. Bên cạnh đó, một số biên kịch và đạo diễn đã cởi mở hơn với các kịch bản yêu cầu về kỹ xảo. Vì vậy, các công ty sản xuất ngày càng theo đuổi nhiều dự án tham vọng hơn bằng cách sử dụng VFX hoặc các nền tảng được sắp xếp hợp lý.
Sau đại dịch, phim hoạt hình 3D-UHD chiếu tại rạp hoặc thông qua ứng dụng hoạt hình có xu hướng gia tăng đột biến. Bên cạnh đó, không ít đơn vị lựa chọn thuê ngoài những người làm quy trình VFX do tính hiệu quả về mặt chi phí. Vì vậy, việc tập trung sản xuất sản phẩm cho trẻ nhỏ và sự phổ biến mạnh mẽ của truyền phát video được dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu thị trường phim hoạt hình tại các nền kinh tế mới nổi.
Ngày nay, mức độ sáng tạo đòi hỏi nhiều công cụ và phần mềm hơn để tạo ra nội dung hoạt hình hấp dẫn, thu hút người xem. Một trong những xu hướng đó là áp dụng công nghệ Thực tế ảo (VR). Nhiều nghiên cứu hoạt hình đang đưa thực tế ảo vào hoạt hình 3D nhằm mục tiêu giúp các trò chơi 3D khả thi hơn trong môi trường ảo.
Việc tích hợp dịch vụ OTT (phim và truyền hình được cung cấp qua đường truyền Internet tốc độ cao thay vì các phương tiện truyền thống như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh) trên các thiết bị phát trực tuyến hứa hẹn sẽ thúc đẩy các ứng dụng dành cho lĩnh vực hoạt hình và VFX.
Sự phát triển của Netflix, Hulu, YouTube, TikTok đã kéo theo nhu cầu sản xuất nội dung khổng lồ. Theo đó, Netflix dẫn đầu Top 10 nền tảng xem phim được quan tâm nhất trên mạng xã hội đầu năm 2023 tại Việt Nam. Từ tháng 1/2023 - tháng 4/2023; ứng dụng thu hút hơn 7,1 triệu lượt tương tác; hơn 730.000 lượt thảo luận và 44.055 bài đăng trên mạng xã hội. Thành công của Netflix phần lớn đến từ các bộ phim độc quyền nổi tiếng như Glory, Unlocked, Beef...
Đây cũng là một trong những nền tảng làm nội dung sáng tạo và thu hút nhất trên Social Media. Fanpage của Netflix luôn nhận được sự thảo luận sôi nổi bởi các video cắt trong phim, trích dẫn đắt giá từ diễn viên, phân cảnh hài hước thú vị…
Trong năm 2022, YouTube đã đóng góp hơn 35 triệu USD vào tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ và hỗ trợ hơn 390.000 việc làm toàn thời gian cho người lao động. Nhiều kênh trên nền tảng ghi nhận hơn 1 triệu người đăng ký, tăng 15% trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo một nghiên cứu, 83% nhà sáng tạo nội dung đồng ý nền tảng này mang tới cho họ nhiều cơ hội kiếm tiền hơn các phương tiện truyền thống. Trong khi, 78% doanh nghiệp nhỏ cũng cho rằng YouTube là ứng dụng cần thiết cho sự phát triển của công ty.
Theo dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia, TikTok đã đứng đầu danh sách 10 ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất năm 2022 với 672 triệu lượt. Nền tảng này có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và tạo ra vô số trào lưu trong năm qua.
Theo dữ liệu của ByteDance (công ty mẹ của TikTok), tốc độ tăng trưởng quy mô người dùng của nền tảng được duy trì ổn định trong 5 năm qua. Tháng 9/2021, số người hoạt động hàng tháng trên nền tảng đã vượt quá 1 tỷ, theo tính toán, mức tăng trưởng người dùng trong năm 2021 của TikTok vẫn ở mức 50% (vượt xa tốc độ tăng trưởng của người dùng Internet toàn cầu).
Tại một số quốc gia, TikTok cũng trở thành ứng dụng sở hữu thời gian sử dụng của người dùng nhiều nhất. Trong năm 2021, người dùng TikTok ở Mỹ đã dành 95 phút để xem video ngắn mỗi ngày, con số này nhiều hơn hẳn các ứng dụng như Instagram, Twitter, Facebook…
Với sự lớn mạnh của YouTube, TikTok…, ngành giải trí trực tuyến hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ với CAGR dự kiến đạt 20.82%, trong đó riêng hình thức giải trí bằng video chiếm 43,3%.
Động lực tăng trưởng của ngành giải trí trực tuyến gồm: Sự phổ cập của Internet, Xu hướng phổ biến và sử dụng smartphone nhiều hơn, các nền tảng cung cấp nhiều tiện ích hấp dẫn. Hậu đại dịch Covid-19, các thói quen và nhu cầu giải trí của mọi người cũng thay đổi khi có xu hướng thư giãn thông qua việc xem video, nghe nhạc, chơi game, nghe radio trên Internet...
Theo thống kê của Statista, trong năm 2022, số người sử dụng Internet trên toàn thế giới là 5,3 tỷ người (tăng 4,9 triệu người so với năm trước). Con số này tương đương 66% dân số toàn cầu truy cập Internet trên toàn thế giới.Bên cạnh đó, có 86,29% dân số thế giới sử dụng smartphone. Các nền tảng cung cấp các tiện ích giải trí trực tuyến nổi lên, nổi bật là các video theo nhu cầu.
Khi ngành giải trí trực tuyến lớn mạnh, bên cạnh phim ảnh, show giải trí, vlog của các KOL… thì phim hoạt hình cũng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.