Thị trường sáng tạo nội dung số toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, ước tính đạt 14,39 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14,3%.
Theo báo cáo của Business Research Insights, thị trường nội dung số toàn cầu dự kiến tăng từ 167,59 tỷ USD vào năm 2023 lên 285,94 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,1%. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng lớn về các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, thị trường sáng tạo nội dung số toàn cầu được dự đoán tăng từ 21,62 tỷ USD năm 2022 lên 24,72 tỷ USD vào năm 2023 với CAGR 14,36%, và đạt 14,39 tỷ USD vào năm 2027.
Hiện nay, các doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ để tối ưu hóa hoạt động và tương tác với khách hàng. Sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tạo ra nội dung số là động lực lớn cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
Ứng dụng công nghệ AI và học máy trong thiết kế giao diện người dùng được sử dụng không chỉ nâng cao tiện ích và còn tạo ra các trải nghiệm thú vị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng.
Châu Á đang trở thành khu vực trọng điểm cho sự phát triển của ngành sáng tạo nội dung số nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số và công nghệ.
Thị trường sáng tạo nội dung số tại Châu Á đang phát triển nhanh chóng, với nhiều quốc gia trong khu vực đạt tốc độ tăng trưởng cao. Theo báo cáo của Business Research Insights, thị trường nội dung số tại Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) dự kiến sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất.
Về trò chơi điện tử, Châu Á chiếm khoảng 45% thị trường game toàn cầu, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn nhất. Các công ty lớn như Tencent và Sony đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển này.
Sự gia tăng số lượng người dùng điện thoại thông minh và thiết bị kỹ thuật số đã tạo ra một nền tảng lớn cho việc tiêu thụ nội dung số. Các nền tảng như YouTube, TikTok và các dịch vụ streaming như Netflix và Amazon Prime đang phát triển mạnh mẽ tại Châu Á, thúc đẩy nhu cầu về nội dung video và âm nhạc số.
Trung Quốc là một trong những thị trường nội dung số lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Sự phổ biến của video ngắn và các dịch vụ streaming đã tạo ra một lượng lớn người dùng hàng ngày. Các nền tảng như iQiyi, Tencent Video, và Youku thu hút hàng triệu người với nội dung phong phú và đa dạng.
Thị trường nội dung số Trung Quốc đạt doanh thu từ game khoảng 41 tỷ USD vào năm 2021, xấp xỉ 25% thị phần toàn cầu.
Các công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba, và Baidu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và phân phối nội dung số. Tencent, với nền tảng WeChat và dịch vụ trò chơi trực tuyến, đã trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số, bao gồm các quy định về bản quyền và bảo vệ dữ liệu.
Nhật Bản là một trong những thị trường sáng tạo nội dung số hàng đầu thế giới, nổi tiếng với các sản phẩm chất lượng cao ở lĩnh vực trò chơi điện tử, anime và manga. Thị trường nội dung số Nhật Bản có quy mô lớn với doanh thu từ game đạt khoảng 18 tỷ USD vào năm 2021. Các công ty như Sony và Nintendo đã tạo ra nhiều sản phẩm nội dung số đẳng cấp thế giới, đóng góp lớn vào nền kinh tế sáng tạo của Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia luôn đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nội dung số, bao gồm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), giúp nâng cao chất lượng và trải nghiệm người dùng.
Văn hóa tiêu dùng nội địa ở Nhật Bản rất đặc trưng và phát triển mạnh mẽ, với nhu cầu cao về các sản phẩm kỹ thuật số và giải trí.
Xu hướng phát triển chính tại Nhật Bản là anime và manga, trò chơi điện tử. Nơi đây là trung tâm của ngành công nghiệp anime và manga, với hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới tiêu thụ các sản phẩm này hàng ngày. Thị trường trò chơi điện tử của Nhật Bản được đánh giá cao về chất lượng và sáng tạo, với nhiều tựa game nổi tiếng như "Final Fantasy", "Super Mario", và "The Legend of Zelda".
Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và văn hóa tiêu dùng số.
Thị trường nội dung số tại Hàn Quốc được dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 8.6% từ năm 2024 đến 2030. Quy mô thị trường dự kiến đạt 18 tỷ USD vào năm 2027.
Hàn Quốc đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội. Năm 2023, ứng dụng YouTube có 46 triệu người sử dụng, tương đương 91% số người dùng Internet tại quốc gia này.
Về động lực tăng trưởng, Hàn Quốc có một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến, gần 100% diện tích phủ sóng Internet băng thông rộng. Quốc gia này cũng là nơi thương mại hóa mạng 5G đầu tiên trên thế giới. Hàn Quốc nổi tiếng với ngành công nghiệp giải trí phát triển mạnh, đặc biệt là K-pop, phim truyền hình và trò chơi điện tử.
Các nền tảng như TikTok và Instagram đang phát triển mạnh mẽ tại Hàn Quốc, thu hút lượng lớn người sử dụng cũng như sự gia tăng nhanh chóng trong việc tiêu thụ nội dung video ngắn và streaming. Quảng cáo số, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội trở thành một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Hiện nay, thị trường nội dung số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực game và giải trí trực tuyến. Doanh thu từ ngành game tại Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình trên 15%.
Cùng với đó là sự phát triển của nền tảng mạng xã hội. Facebook và YouTube là hai nền tảng phổ biến nhất tại Việt Nam, với hàng chục triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho sự phát triển của ngành sáng tạo nội dung số nhờ vào dân số trẻ và sự phổ biến của công nghệ số.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc phát triển kinh tế số và công nghệ thông tin, bao gồm các chính sách hỗ trợ cho startup và doanh nghiệp công nghệ. Những yếu tố này tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành sáng tạo nội dung số tại Việt Nam.
Xu hướng chính trong ngành sáng tạo nội dung số tại Việt Nam là game trực tuyến và thể thao điện tử (eSports). Việt Nam là một trong những thị trường game phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với sự gia tăng nhanh chóng của các giải đấu eSports và cộng đồng game thủ. Các nền tảng như TikTok, YouTube, và Facebook rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ, thúc đẩy nhu cầu về nội dung video ngắn và live stream.