Nền kinh tế số của Việt Nam bùng nổ, dự đoán đạt 50 tỷ USD vào năm 2025
Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thương mại điện tử dự đoán, thương mại điện tử sẽ là bước đệm chính giúp cho nền kinh tế số phát triển. Các nền tảng như Shopee, Lazada và các nhà bán lẻ hàng đầu như Co.opmart đều tập trung hoạt động kinh doanh của họ sang trực tuyến.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic, giao hàng, du lịch, tài chính, truyền thông và giải trí trong nước.
Dịch vụ giao hàng phát triển chóng mặt nhờ các siêu ứng dụng như Grab, Baemin
Đồng thời, các hệ thống thanh toán trực tuyến như ví điện tử, cổng giao dịch điện tử và ngân hàng điện tử cũng phát triển nhanh chóng sau sự gia tăng đột biến của các dịch vụ trực tuyến, với 61% giao dịch mua hàng trực tuyến sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào năm ngoái.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số phải đối mặt với những thách thức do cơ sở hạ tầng kỹ thuật số kém phát triển, đặc biệt là thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia được chuẩn hóa, đồng bộ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tận dụng được các cơ hội kỹ thuật số mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong các doanh nghiệp của đất nước. Ngoài ra, khung pháp lý cũng chưa điều chỉnh để phù hợp với mô hình kinh doanh số hóa cũng là một rào cản.
Để giải quyết những vấn đề này, TP.HCM đã đề ra kế hoạch “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn” nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ và phương thức hoạt động mới để tạo ra hàng hóa và dịch vụ bền vững, UBND TP.HCM cho biết.
Ngoài ra còn có một số chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp số hóa hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như fintech (công nghệ tài chính), edutech (công nghệ giáo dục), nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh.