Tạo lập và khai thác bản quyền hình ảnh nhân vật trong kinh doanh

Ngày 23/04, Hội thảo “VMCC Marcom Talk #08: Character Licensing & Character Marketing - Gia tăng kết nối, mở lối doanh thu” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới” tại Việt Nam đã diễn ra với những chia sẻ thiết thực đến từ những doanh nghiệp lớn như Canifa, Sunhouse hay Sconnect.

VMCC-Talk-8-2579

(Từ trái qua phải) Bà Lại Thị Mai - Giám đốc điều hành WOA UNI; Bà Chu Hương - Marketing Manager Sunhouse Group; Ông Vũ Trung Hiệp - Trưởng Ban tổ chức VMCC Marcom Talk; Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - CEO Canifa và Luật sư Tám Trần - CEO IPCom

 

Tạo lập và khai thác bản quyền nhân vật trong kinh doanh

VMCC Marcom Talk là mô hình sự kiện chia sẻ chuyên môn sâu về marketing, truyền thông, thương hiệu nói riêng và quản trị doanh nghiệp nói chung do Câu lạc bộ Truyền thông và Tiếp thị Việt Nam (VMCC) định kỳ tổ chức mỗi quý. Nằm trong khuôn khổ của IP Day Việt Nam 2024, VMCC Marcom Talk #08 có sự chia sẻ đến từ các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghiệp sáng tạo, Công nghiệp nội dung số cũng như Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó là sự tham gia của gần 200 lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp; các giảng viên, luật sư, nhà quản lý marcom…

Với chủ đề “Character Licensing & Character Marketing”, VMCC Marcom Talk #08 đã mang đến những kiến thức giúp người tham dự hiểu đúng và bài bản về khả năng tạo lập và khai thác bản quyền hình ảnh nhân vật phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Xuân Bách - Bí thư đoàn Thanh niên Bộ Khoa học & Công nghệ chia sẻ: “Quyền sở hữu trí tuệ hay cụ thể hơn là quyền tác giả đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ và khuyến khích sự sáng tạo. Đây là công cụ quan trọng để đảm bảo rằng người tạo ra ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo được bảo vệ và được hưởng lợi từ công việc của mình một cách công bằng, chính đáng. Thực tế cho thấy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả không chỉ là việc của các nhà lập pháp, của chính phủ mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Đó cũng là lý do mà IP Day 2024 đã lựa chọn chủ đề xuyên suốt chuỗi sự kiện là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bà Lại Thị Mai - Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành WOA UNI - Công ty thành viên chuyên về mảng cấp quyền thương mại nhân vật của Sconnect đã mang đến cho khán giả kiến thức về mô hình tạo giá trị, mô hình phát triển của một nhân vật (Character - IP), các tiêu chí, tiêu chuẩn IP cho ngành character licensing trên thế giới cũng như cách ứng dụng tại Việt Nam. Một bức tranh về ngành này đã được khái quát cả trên bình diện quốc tế và Việt Nam, từ đó đưa ra những nhận định về xu thế phát triển trong tương lai của ngành này.

VMCC-Talk-8-2244


Một trong số ít những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong sử dụng Character Marketing, bà Đoàn Thị Bích Ngọc - CEO Canifa cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá về chiến lược mua bản quyền hình ảnh, phạm vi ứng dụng, quy trình triển khai và đánh giá đầy thực tế.

Bên cạnh những cái tên đã có nhiều năm kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường Character Marketing, sự kiện cũng ghi nhận những chia sẻ đến từ một “tân binh” của ngành là tập đoàn Sunhouse với sản phẩm tủ nhựa cho mẹ và bé. Sự trao đổi góc nhìn giữa những người nắm giữ vai trò và bước vào ngành Character Licensing ở những giai đoạn khác nhau đã đem lại nhiều câu chuyện thú vị.

Chia sẻ về vai trò của sáng tạo nội dung số và bản quyền số trong thời đại 4.0 cũng như trong xu thế phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo, Ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số (DCCA) và ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm bản quyền số (DCC) đều nhấn mạnh đến yêu cầu và trách nhiệm của người kinh doanh, người sáng tạo trong việc tôn trọng sở hữu trí tuệ cũng như hướng đến khả năng phát triển bền vững.

Ông Vũ Trung Hiệp - Phó Chủ tịch điều hành VMCC, Trưởng ban tổ chức VMCC Marcom Talk #08 cũng chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa marketing, thương hiệu và sở hữu trí tuệ chính là giá trị. Mọi hoạt động của marketing nói chung hay Character Marketing nói riêng đều nhằm khám phá, thấu hiểu, kiến tạo và thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của người dùng. Mọi sáng tạo đều là để tạo ra lợi ích và giá trị nào đó đáp ứng đúng mong muốn của khách hàng. Còn công việc của các nhà sáng tạo cũng là tạo ra giá trị thông qua các sáng kiến, phát minh, tác phẩm của mình. Và cả nhà kinh doanh, nhà tiếp thị và nhà sáng tạo đều cần đến một công cụ để bảo vệ cũng như tối ưu giá trị sáng tạo của mình, đó là Sở hữu trí tuệ.

Chương trình truyền thông cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/04

Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Day - IP Day) là sự kiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) khởi xướng từ năm 2000 nhằm nâng cao nhận thức về tác động của các bằng sáng chế, bản quyền nhãn hiệu và thiết kế đến cuộc sống, đồng thời tôn vinh đóng góp của những nhà sáng tạo và phát triển của nền kinh tế, xã hội. “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo” (IP and the SDGs: Building our common future with innovation and creativity) được WIPO lựa chọn là chủ đề của IP Day 2024.

Là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ (SHTT), ngành Công nghiệp sáng tạo (CNST), Công nghiệp Văn hóa (CNVH) đã và đang tạo ra những giá trị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề về kinh tế, con người, môi trường. Doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của Châu  u, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại. Những con số cho thấy đây là con gà đẻ trứng vàng của các nước xuất khẩu văn hóa, sáng tạo toàn cầu như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Thái Lan…Tại các quốc gia nêu trên, CNST chiếm từ 5 - 8% GDP. Còn tại Việt Nam, ước tính CNST, CNVH đang chiếm khoảng 3% GDP.

Với mong muốn cổ vũ sự phát triển của CNST, CNVH tại Việt Nam, tôn vinh, tiếp thêm động lực cho những nhà sáng tạo có thêm nhiều những ý tưởng, phát minh, sáng kiến hơn nữa nhằm hướng tới tương lai bền vững, Chương trình truyền thông tăng cường nhận thức và hành động về IP, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo để chào mừng “Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới” đã chính thức được khởi động trong tháng 04/2024 do Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) chỉ đạo và được phối hợp tổ chức bởi Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA), Trung tâm Bản quyền số (DCC), Câu lạc bộ Truyền thông và Tiếp thị Việt Nam (VMCC), Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông LinkStar, Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức và các nhà sáng tạo hoạt động trong ngành CNST, CNVH.

Thông qua chuỗi hoạt động bao gồm hội thảo VMCC Marcom Talk #08: Character Licensing & Character Marketing và chương trình truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, sự kiện “Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới” tại Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần đại chúng hóa, trực quan sinh động hóa, kinh tế hóa các kiến thức về SHTT và sáng tạo để nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục cũng như đứa SHTT đi vào cuộc sống một các thiết thực hơn.

Tại Việt Nam, các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới vẫn chưa thực sự được đông đảo người dân quan tâm, tham gia cũng như vai trò của đổi mới, sáng tạo , đặc biệt là của SHTT vẫn bị xem nhẹ. Dù từ năm 2015, Cục SHTT, Đoàn TN Bộ Khoa học 7 Công nghệ cùng một số tổ chức cộng đồng hoạt động về CNST, CNVH đã có các sự kiện và tháng truyền thông cho lĩnh vực này nhưng như thế là chưa đủ để tạo ra sự nhận thức và hiểu biết sâu sắc cũng như có thể chuyển hóa thành các hành động tích cực như mong muốn. Sổ hữu trí tuệ và đổi mới, sáng tạo cần đi sâu được vào đời sống để hình thành ý thức tôn trọng bản quyền, sáng tạo cũng như thúc đẩy mong muốn sáng tạo ở mỗi người dân khi đó Việt Nam mới tiến gần được tới cái gọi là nền kinh tế sáng tạo, nền kinh tế tri thức.