Khát vọng kiến tạo ngành công nghiệp hoạt hình Việt

Hành trình 10 năm xây dựng công ty sáng tạo Top đầu Việt Nam, Sconnect Việt Nam đã chọn con đường đi rất khác biệt: Chinh phục thị trường quốc tế trước, sau đó mở rộng dịch vụ, sản phẩm ở trong nước. Hành trình “vượt sóng ra khơi” trải qua những cuộc cạnh tranh khốc liệt, đổi lại cũng giúp doanh nghiệp gặt hái được nhiều kinh nghiệm quý giá để phát triển ngành hoạt hình nước nhà.

Lựa chọn con đường đầy thách thức

Thành lập vào tháng 9/2014, cũng như các công ty khởi nghiệp khác, Sconnect trải qua không ít khó khăn trong những năm đầu khởi nghiệp. Sau nhiều lần nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm, lựa chọn thị trường, đến năm 2018, những tập phim hoạt hình đầu tiên về chú sói nhỏ Wolfoo đã công chiếu và nhanh chóng chinh phục được các phụ huynh Mỹ. 

Sau 6 năm, Wolfoo đã “đốn tim” hàng trăm triệu khán giả nhí toàn cầu và được coi là một hiện tượng của hoạt hình quốc tế. Tuy nhiên, việc Wolfoo do Sconnect - một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất là thông tin gây nhiều bất ngờ cho công chúng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi bản gốc các tập phim Wolfoo sử dụng ngôn ngữ Anh. Thế giới quan của câu chuyện và nhân vật được dựa trên bối cảnh của một gia đình trung lưu ở Mỹ, điều này khiến không ít người hiểu lầm Wolfoo là sản phẩm xuất xứ từ Mỹ. 

Ảnh chuyên viên hậu kỳ âm thanh
 

Việc chinh phục thành công khán giả quốc tế đã giúp Sconnect tích lũy được nhiều kinh nghiệm và nhanh chóng mở rộng quy mô phát triển

Sau 10 năm phát triển, bên cạnh Wolfoo, Sconnect đã sáng tạo và sở hữu 18 bộ nhân vật hoạt hình nổi tiếng, bao gồm: Doodles; Fairy Tales; Max's Puppy Dog; Clay Mixer; Luka, Bearee, Trạng Quỳnh… 

Tương tự như Wolfoo, các sản phẩm hoạt hình của Sconnect là những câu chuyện, bối cảnh, thế giới quan ở châu Mỹ và châu Âu, nhằm phục vụ cho khán giả tại thị trường quốc tế. Vào tháng 8/2023, Sconnect hợp tác cùng Alpha Animation Studio để ra mắt bộ phim Trạng Quỳnh thời Nhí Nhố được sản xuất bằng công nghệ 3D. Đây cũng là bộ phim lấy bối cảnh làng quê Việt Nam và nhân vật hài hước nổi tiếng trong dân gian với mục tiêu mang văn hóa Việt tới khán giả quốc tế.

Chia sẻ về lý do tại sao lựa chọn mục tiêu đầy thách thức ngay từ lúc khởi nghiệp, ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập - Tổng giám đốc Sconnect cho biết: “Thời điểm mới gia nhập thị trường, chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng ở Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng cho những nhà sản xuất nội dung cho trẻ em. Trong khi đó, ở Mỹ là nơi có lịch sử hoạt hình lâu đời, có những tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu thế giới, nếu chúng tôi làm được các sản phẩm chinh phục thành công khán giả Mỹ thì khi mở rộng sang thị trường khác cũng trở nên dễ dàng hơn”.

“Lựa chọn đôi khi quan trọng hơn nỗ lực”, vị thuyền trưởng hay chia sẻ với nhân sự của mình như vậy. Lựa chọn định hướng phát triển bền vững bằng những nội dung hoạt hình chất lượng cao, bằng những sản phẩm nội dung số tử tế đã giúp Sconnect tăng tốc phát triển từ một doanh nghiệp chỉ có 8 nhân sự ban đầu, tăng lên gần 1.000 nhân sự sau 10 năm. Từ một studio nhỏ ở Hà Nội, tới nay Sconnect đã có trụ sở ở Hà Nội, TP.HCM và các nước Mỹ, Cộng hòa Séc, Anh và Hungary.

Sconnect là một trong số ít doanh nghiệp sáng tạo ra sản phẩm hoạt hình “make in Vietnam” được đón nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Khát vọng kiến tạo ngành công nghiệp hoạt hình

Hành trình 10 năm “mang chuông đi đánh xứ người” đã giúp Sconnect tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để chinh chiến ở thị trường quốc tế. Nhận thấy lĩnh vực hoạt hình còn rất nhiều dư địa để phát triển, Sconnect nhận định rằng đã đến lúc cần thực hiện sứ mệnh kiến tạo để ngành hoạt hình nói riêng và ngành sáng tạo Việt Nam trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Tap1_001_01_X1_3153
 

Sau 10 năm xây dựng, Sconnect cho biết đã đến lúc đồng hành cùng các doanh nghiệp sáng tạo trong nước đưa hoạt hình Việt phát triển mạnh mẽ hơn nữa

Phân tích về tiềm năng của hoạt hình, ông Tạ Mạnh Hoàng nói: “Ở các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc ngành hoạt hình được Chính phủ quan tâm và tạo chính sách thuận lợi để phát triển. Người Việt có rất nhiều tiềm năng tiến xa hơn trong lĩnh vực hoạt hình, nhưng nguồn lực lại thiếu tập trung nên chưa tạo ra một “cú hích” trên thị trường quốc tế. Tôi rất tự hào với những thành tựu của Sconnect, tuy nhiên so với thị trường toàn cầu rộng lớn thì thành quả của chúng tôi vẫn rất nhỏ bé”.

“Người Việt có câu “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Do đó, để tạo ra bước đột phá thực sự, để Việt Nam có vị trí vững chắc trên bản đồ hoạt hình thế giới thì ngành hoạt hình Việt Nam cần có những chính sách cụ thể và định hướng rõ ràng để phát triển thành ngành công nghiệp thực sự”, ông Tạ Mạnh Hoàng nhấn mạnh.