Các nhà sản xuất nội dung số cần làm gì để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?
Các doanh nghiệp, công ty, nhà sản xuất nội dung số cho trẻ em có thể chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bằng cách thực hiện một số khuyến nghị được nêu trong dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại do ECPAT, INTERPOL và Trung tâm nghiên cứu của UNICEF - Innocenti nghiên cứu.
Phần lớn trẻ em Việt Nam được tiếp cận với Internet, hầu hết sử dụng Internet hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng ⅓ trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các doanh nghiệp làm nội dung cho trẻ nên chủ động vận hành các nền tảng chat, phát trực tiếp, mạng xã hội để ngăn chặn các nội dung nhạy cảm xuất hiện trước trẻ em, khi phù hợp, cần tuân thủ các quy định của chính phủ về cách thức. Cần quy định rõ nghĩa vụ pháp lý đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet về việc lọc và gỡ bỏ nội dung xâm hại tình dục trẻ em. Việc thực hiện nghĩa vụ này rất quan trọng để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Các công ty cũng cần đặc biệt ưu tiên nhu cầu của trẻ trong quá trình phát triển sản phẩm. Việc này phải dựa trên bằng chứng về các thực hành/ hoạt động kỹ thuật số của trẻ và trải nghiệm của trẻ về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng. Đồng thời, các doanh nghiệp nên triển khai cơ chế trình báo chính thức trong các nền tảng chat, phát trực tuyến và mạng xã hội một cách rõ ràng, dễ tiếp cận với trẻ em, giải thích bằng từ ngữ phù hợp với trẻ, giúp các em hình dung được quy trình sẽ diễn ra như thế nào sau khi gửi trình báo. Các nền tảng và đơn vị cung cấp dịch vụ phải nhanh chóng phản hồi trình báo của trẻ em, thể hiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Bộ TT&TT cũng khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất, phổ biến các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em khỏi các trang web đen độc hại. Khuyến khích việc phát triển các dịch vụ nội dung phù hợp với trẻ em. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển các trò chơi điện tử có nội dung giáo dục về văn hóa, lịch sử, kiến thức phù hợp với trẻ.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin đã đưa ra kế hoạch đánh giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Đối tượng áp dụng là nhóm sản phẩm có chức năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và nhóm sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.
Mục đích chính của việc đánh giá sản phẩm là:
- Tìm kiếm các sản phẩm bảo vệ trẻ em và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
- Đánh giá, công bố các sản phẩm, dịch vụ chất lượng về bảo vệ trẻ em tới cộng đồng
- Thúc đẩy hệ sinh thái các sản phẩm về bảo vệ trẻ em tới cộng đồng.
Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT sẽ tổ chức các hội nghị định hướng, vận động, chia sẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển các chính sách, sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, phụ huynh, người chăm sóc trẻ và giáo viên nên thực hiện kết nối, giao tiếp an toàn và liên tục về đời sống trên mạng. Việc bình thường hóa những trao đổi về hoạt động trên mạng sẽ tăng khả năng trẻ em chia sẻ những mối lo ngại, rủi ro và trải nghiệm gây hại có thể gặp phải.
Trong phản ứng trước tiết lộ về việc trẻ em bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng, người lớn cần thể hiện rằng trẻ em không có lỗi, cho dù các em đã đưa ra lựa chọn như thế nào. Sai phạm luôn nằm ở người lớn đã thực hiện hành vi xâm hại và bóc lột trẻ em. Báo cáo cho thấy trẻ em bị BL&XHTD qua mạng thường tự trách bản thân, cảm thấy các em đã làm người chăm sóc của mình và người khác thất vọng. Không nên phản ứng một cách phán xét hay áp dụng cách trừng phạt.
Thêm vào đó, người lớn cũng cần cung cấp cho trẻ thông tin về đường dây nóng và tổng đài trợ giúp, cũng như các kênh hỗ trợ khác, cho trẻ biết rằng đây là những cách thức an toàn để trẻ chia sẻ tình thế khó khăn của mình, tìm kiếm lời khuyên, hỗ trợ mà không cảm thấy bất tiện như khi chia sẻ với người nhà hoặc cộng đồng (đặc biệt là khi kẻ vi phạm là người nhà hoặc người trong cộng đồng). Một điều kiện quan trọng để thực hiện khuyến nghị này là đường dây nóng, tổng đài trợ giúp phải có đủ nhân viên, nguồn lực và có khả năng ứng phó một cách hiệu quả.