Định danh tài khoản mạng xã hội, làm sạch không gian mạng
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân, tổ chức phải thực hiện việc định danh, áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như YouTube, Facebook, TikTok…
Thời gian qua, cơ quan quản lý đã thực hiện mạnh mẽ việc xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại, đến ngày 15/4, những thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc 2 chiều. Ngoài ra, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có cơ chế phối hợp trong việc xác thực các tài khoản trên mạng.
Khi cơ quan điều tra tại địa phương làm văn bản đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử để xác định danh tính chủ tài khoản. Trong đó có trường hợp có thể xác định, trường hợp còn gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Định danh các tài khoản mạng xã hội, bao gồm cả Facebook, YouTube, TikTok
Trong thời gian tới, các vấn đề trên sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Trong dự thảo, luật quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước. Nếu không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn, nhất là ngăn chặn việc sử dụng các ứng dụng này để lập hội nhóm lừa đảo, không truy vết được.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, nghị định thay thế các nghị định về quản lý và sử dụng thông tin trên mạng đang được sửa đổi và sẽ ban hành trong năm 2023. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh, áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok... Những tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết các cơ quan quản lý không làm khó doanh nghiệp muốn quảng cáo trên không gian mạng nhưng không thể có chuyện một đồng tiền cùng chảy vào nội dung tử tế và nội dung độc hại mà doanh nghiệp vẫn thấy bình thường. Nhưng đại diện một số doanh nghiệp cho rằng rất khó nhận biết kênh nào được phép gắn quảng cáo, kênh nào không. Vì vậy, nhu cầu về một danh sách những kênh "đã được xác thực" trên mạng, sử dụng cho hoạt động quảng cáo là rất cần thiết.
Vào trung tuần tháng 3/2023, Bộ TT&TT đã công bố danh sách nội dung “đã xác thực” (Whitelist). Không chỉ xây dựng và mở rộng Whitelist, Bộ còn đưa ra danh sách Blacklist gồm những kênh bị cấm để doanh nghiệp có thể tham khảo.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ ban hành thêm nhiều chế tài để hạn chế người làm nội dung bẩn không thể kiếm tiền, không thể tiếp cận được với công chúng. Nhằm mục tiêu hạn chế tối đa nội dung độc hại trên mạng, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với các nền tảng để xóa kênh. Về lâu dài, những nhà sáng tạo có nội dung độc hại sẽ khó có thể bước vào con đường hoạt động chính thống.
Tài khoản đăng tải nội dung không lành mạnh có thể bị xóa kênh